Xuất thân trong gia đình nông dân nghèo, tham gia bộ đội đặc công năm 1966; năm 1970, sau khi bị thương, ông trở về cuộc sống đời thường với chứng nhận thương binh hạng 3/4. Không buông xuôi với số phận, ông đã tập trung phát triển kinh tế gia đình bằng mô hình nuôi ếch.
Ông Thoãng kể, khi mới khởi nghiệp, ông nuôi 1.000 con ếch, nhưng do chưa có kinh nghiệm nên tỷ lệ thất thoát khá cao, khoảng 40%. Học hỏi mô hình nuôi ếch giống trên các phương tiện truyền thông đại chúng, sẵn có đàn ếch tại gia đình khoảng 600 con, ông chọn 20 con ếch cái thật tốt để làm giống, đồng thời sang Tiền Giang mua thêm 20 ếch đực được lai tạo từ ếch đồng mang về cho phối giống, từ đó đàn ếch cứ thế sinh sôi. Đến nay, đàn ếch giống của ông đã có hơn 600 con cùng hàng tấn ếch thịt chưa xuất chuồng.
Trước đây, do chưa có nhiều kinh nghiệm nên ông Tư Thoãng chỉ nuôi ếch trong 10 bể bạt. Thế nhưng hiện nay do số lượng ếch nhân đàn nhanh, thị trường tiêu thụ mạnh cộng với vốn kinh nghiệm dồi dào nên ông mạnh dạn mở rộng diện tích. Với diện tích khoảng 2.000m2, ông Tư Thoãng thiết kế 50 bể bạt, trong đó 40 bể nuôi ếch thịt và 10 bể nuôi ếch giống.
Mỗi năm gia đình ông xuất bán 2 đợt ếch thịt vào tháng 6 âm lịch và dịp Tết Nguyên đán, với số lượng khoảng 10 tấn và xuất bán 100.000 con ếch giống. Hiện tại, do có nhiều người nuôi ếch giống nên giá giống xuống thấp hơn khoảng 300 đồng/con so với trước đây, dao động từ 1.000-1.200 đồng/con, trừ chi phí, ông thu lãi trên 200 triệu đồng/năm.
Ông Tư Thoãng chia sẻ: “Là người lính Cụ Hồ, tôi học tập ở Bác nhiều điều, nhất là về tính cần cù chịu khó. Trước đây, khi mới nuôi ếch, tôi gặp không ít khó khăn, nhất là về phương pháp kỹ thuật. Không ngại khó, tôi đã đi nhiều nơi, tham quan nhiều mô hình và học hỏi trên sách báo, nghe đài về mô hình nuôi ếch, cùng với kinh nghiệm thực tiễn của bản thân đã giúp tôi thành công”.
Theo ông Tư Thoãng, đối với ếch thịt, kỹ thuật nuôi không khó nhưng khi xuất bán ra thị trường được thương lái chấp nhận là điều không đơn giản. Bởi lẽ so với ếch đồng, ếch nuôi có thịt bở, không dai và có mùi tanh..., đòi hỏi người nuôi phải có kinh nghiệm. “Theo kinh nghiệm của tôi là nuôi ếch với thời gian dài, thay vì 3 tháng có thể xuất bán thì nuôi 4 tháng; sử dụng thức ăn dạng viên nổi 30% đạm”, ông cho biết.
Ngoài thức ăn được xem là quan trọng đối với ếch, vấn đề chuồng trại cũng được ông Tư Thoãng quan tâm. Mỗi ngày ông vệ sinh chuồng trại và thay nước một lần. Nguồn nước được bơm từ ao hồ qua hệ thống lắng lọc, sau đó bơm vào bể nuôi ếch. Đồng thời khi xả nước thải ra ngoài, ông xử lý vào túi biogas thể tích 45m3 dùng làm nguyên liệu khí đốt trong gia đình, tránh gây ô nhiễm môi trường.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, thương binh Nguyễn Văn Thoãng còn hăng hái tham gia công tác xã hội như đóng góp về vật chất và tinh thần cho phong trào làm đường giao thông nông thôn ở địa phương. Mặc khác, ông còn động viên, giúp đỡ các thành viên trong Hội Cựu chiến binh xã Long Thới cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm vượt khó, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Với nhiệt huyết của người lính Cụ Hồ, ngoài tích cực lao động sản xuất, ông còn là hội viên câu lạc bộ đờn ca tài tử của huyện, xã, mang lời ca tiếng hát của mình kích thích tinh thần lao động hăng say.
Với những thành quả lao động đã đạt được trong thời gian qua, ông Thoãng vinh dự được nhận danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh, cựu chiến binh tiêu biểu trong các phong trào. Hàng năm đều được xã, huyện biểu dương khen thưởng.
Cần cù chịu khó, phẩm chất của người lính Cụ Hồ đã giúp thương binh Nguyễn Văn Thoãng thành công với mô hình nuôi ếch thương phẩm và ếch giống. Thành quả lao động hôm nay giúp gia đình ông có cuộc sống ổn định.
Tấm gương vượt khó làm kinh tế giỏi của thương binh Nguyễn Văn Thoãng cần được biểu dương nhân rộng.
Trúc Ly
Nguồn: kinhtenongnghiep.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn