Khó khăn, thất bại không nản chí
Sinh ra và lớn lên ở miền quê thuần nông Hưng Yên, năm 18 tuổi chàng trai trẻ Phạm Văn Tân quyết định rời quê ra vùng mỏ Cẩm Phả và đầu quân làm công nhân ở mỏ than Mông Dương.
Đến đầu năm 1990, do điều kiện kinh tế khó khăn, anh xin nghỉ việc ở mỏ và đúng vào thời điểm Nhà nước đang có chủ trương chính sách khuyến khích người dân nhận giao đất để phủ xanh đất trống đồi trọc, vì thế anh đã mạnh dạn xin chính quyền địa phương nhận quản lý 59 ha rừng để trồng cây. Trong những năm còn làm công nhân, anh nhận thấy có nhiều diện tích đất trống, đồi trọc bỏ hoang ở trên địa bàn phường Mông Dương nên trong đầu anh đã luôn ấp ủ ý tưởng phải làm sao biến nơi đây thành những khu rừng cây đem lại giá trị kinh tế cao.
Nói là làm, anh cùng gia đình bắt tay vào trồng cây bạch đàn và trồng xen lẫn một số cây hoa màu khác. Tuy nhiên do mới tiếp cận lĩnh vực mới cộng với những khó khăn về nguồn vốn, kinh nghiệm, khoa học kỹ thuật chưa nhiều nên anh đã nhiều lần gặp thất bại.
Anh Tân tâm sự: “Ngay từ lúc mới bắt đầu lập nghiệp, tôi đã đầu tư trồng cây bạch đàn, nhưng do chưa có kinh nghiệm nên đã thất bại. Tiếp đó tôi tiếp tục vay vốn, đầu tư trồng rừng, chuyển đổi sang trồng cây keo và đã đem lại hiệu quả kinh tế. Đến năm 1993, do gặp bão khiến toàn bộ 25 ha rừng bị mất trắng. Tôi đã phải bán căn nhà được 22 triệu đồng để đầu tư nuôi cua và sau một năm cho thu hoạch tôi đã trả được nợ và có vốn để tiếp tục đầu tư trồng rừng”.
Với sự quyết tâm và sự hỗ trợ, động viên của chính quyền địa phương anh Tân đã tự đi học hỏi những nơi có kỹ thuật trồng cây lâm nghiệp, các mô hình sản xuất kinh doanh tiên tiến ở Lạng Sơn, Yên Bái rồi sang tận bên nước bạn Trung Quốc để trao đổi kinh nghiệm. Và năm 1997, anh đã thành công trong việc ươm đủ số lượng cây giống trồng cho hơn 10 ha rừng. Năm năm sau, số lượng keo do gia đình anh ươm giống đã đủ cung cấp cho hơn 30 ha rừng của gia đình và một phần bán cho các hộ dân khu vực lân cận. Đến năm 2003, lúc này gỗ keo đã được thị trường tiêu thụ nhiều, vừa phục vụ chống lò tại các mỏ than, vừa làm nguyên liệu giấy, làm gỗ ép… Giá bán bình quân lúc đó đạt từ 25 đến 30 triệu đồng/ha.
Anh Tân cho biết nếu trồng keo theo phương pháp quảng canh, bình quân mỗi vụ thu về khoảng 50 triệu đồng/ha. Song để nâng cao giá trị trên 1 ha rừng trồng, anh đang chuyển dần từ trồng keo theo phương pháp quảng canh sang tỉa thưa và công nghiệp. Hiện tại 1 ha rừng keo trồng 10 năm sẽ cho thu khoảng 200 triệu đồng, cao gấp bốn lần so với trồng keo theo phương pháp quảng canh.
Không chỉ trồng keo, tận dụng diện tích đất đồi rộng, thức ăn phong phú anh Tân còn đầu tư vào chăn nuôi lợn, bò và 4 ha ao đầm để nuôi tôm thẻ chân trắng. Ban đầu anh chỉ nuôi quảng canh, mỗi năm một vụ. Năm 2009 anh Tân đã đầu tư thêm 600 triệu đồng để mở rộng diện tích nuôi thả theo hướng nuôi công nghiệp.
Hiện nay, mỗi năm anh thu hoạch hai vụ với sản lượng đạt gần 20 tấn tôm/ năm. Tổng thu nhập của gia đình anh Tân trong ba năm từ 2011 đến 2013 trừ hết chi phí đạt hơn 2,6 tỷ đồng, bình quân mỗi năm anh thu về gần 900 triệu đồng từ mô hình kinh tế gia trại của mình.
Mong muốn được chia sẻ kinh nghiệm
Mô hình chăn nuôi lợn của gia đình anh Tân.
Không chỉ vươn lên làm giàu cho bản thân, hàng năm gia đình anh Tân còn phổ biến kiến thức, khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm cho khoảng 150 lượt người dân như: hướng dẫn các hộ trồng rừng đúng kỹ thuật bảo đảm mật độ và các quy định về trồng cây lâm nghiệp, hướng dẫn về các biện pháp phòng, chữa cháy rừng, hướng dẫn về nuôi tôm…
Ngoài ra, anh còn tạo công ăn việc làm ổn định cho 16 đến 20 lao động thời vụ với mức lương bình quân từ 4 đến 4,5 triệu đồng/người/tháng và hỗ trợ từ 5 đến 7 hộ nghèo, hộ chính sách về cây giống, con giống để giúp họ vươn lên thoát nghèo.
Mong muốn của anh Tân là làm cách nào để thu hút được các bạn thanh niên trẻ có tâm huyết, kiến thức, trình độ về lĩnh vực của mình để anh có cơ hội truyền lại những kinh nghiệm, mô hình mà mình đang làm.
Chủ tịch Hội Nông dân TP Cẩm Phả Vũ Đình Dương cho biết: “Anh Tân là một tấm gương điển hình trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng. Biết lắng nghe, học hỏi, giúp đỡ những người dân chung quanh cùng vươn lên thoát nghèo. Về ý tưởng thu hút nguồn nhân lực trẻ, chúng tôi rất ủng hộ. Đây là một ý tưởng hay sẽ đem lại nhiều lợi ích cho lớp trẻ sau này, làm giàu cho đất nước”.
Theo Quang Thọ/nhandan.org.vn