Từ liên kết chuỗi lúa gạo
Theo đánh giá của Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, chuỗi giá trị lúa gạo của Tập đoàn Lộc Trời là một trong những điển hình thành công nhất về liên kết tiêu thụ lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long với sự tham gia của hơn 40 nghìn hộ nông dân. Đây là nơi khởi nguồn cho phong trào xây dựng mô hình “cánh đồng mẫu lớn” trong sản xuất lúa gạo ở Việt Nam. Thêm nữa, Lộc Trời cũng là công ty đầu tiên phát hành thành công gần 1,9 triệu cổ phiếu với giá ưu đãi cho nông dân vào năm 2014.
Chuỗi giá trị lúa gạo của các Công ty TNHH Hưng Cúc và Cường Tân cũng là những điển hình thành công ở đồng bằng sông Hồng. Trong đó, Công ty TNHH Hưng Cúc (Thái Bình) với năng lực sản xuất, chế biến đạt 100 nghìn tấn nông sản/năm. Công ty đã liên kết với 28 hợp tác xã với tổng diện tích liên kết để sản xuất lúa chất lượng cao đạt 2.500 ha, sản lượng lúa thu mua hằng năm qua chương trình liên kết đạt 15 nghìn tấn. Công ty đang xây dựng vùng sản xuất lúa an toàn VietGAP với diện tích hiện nay đạt 35 ha. Hiện công ty là đơn vị duy nhất ở miền bắc có đủ tiêu chuẩn xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc (chính ngạch) theo tiêu chuẩn của Tổng cục Giám sát chất lượng, kiểm nghiệm và kiểm dịch quốc gia Trung Quốc. Công ty cũng đã tiếp cận với các thị trường xuất khẩu nông sản khó tính như châu Âu, Đài Loan (Trung Quốc).
Công ty TNHH Cường Tân (Thái Bình) là doanh nghiệp chuyên nghiên cứu, chọn tạo phát triển giống lúa mới, chuyển giao công nghệ, sản xuất, kinh doanh lúa giống, đã sẵn sàng trả 10 tỷ đồng để mua bản quyền của giống lúa TH3-3 của PGS, TS Nguyễn Thị Trâm (Học viện Nông nghiệp Việt Nam). Đồng thời ký hợp đồng thuê ruộng đất của gần 400 hộ nông dân, rồi lựa chọn, thuê lại những người nông dân có năng lực sản xuất, tha thiết với nghề nông để sản xuất lúa giống cho công ty. Toàn bộ ruộng đất thuê lại sẽ được cải tạo thành cánh đồng mẫu lớn, xóa bỏ bờ thửa nhưng vẫn bảo đảm quyền sở hữu của nông dân. Chính nhờ cách làm này công ty đã xây dựng được vùng nguyên liệu sản xuất lúa giống rất hiệu quả.
Theo nhận định của Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, thời gian qua các mô hình cánh đồng lớn đã tăng lên cả về số lượng và diện tích xây dựng. Với quy mô diện tích lớn, thuận tiện trong áp dụng cơ giới hóa, giúp tiết kiệm chi phí và thời gian, ở đồng bằng sông Cửu Long, mỗi héc-ta lúa tham gia cánh đồng lớn có thể giảm chi phí từ 10 đến 15%, tăng giá trị sản lượng từ 20 đến 25% và thu lời thêm từ 2,2 đến 7,5 triệu đồng/ha. Ở miền bắc, các mô hình cánh đồng lớn cho hiệu quả trên 1 ha lúa thấp hơn, giá trị sản lượng tăng từ 17 đến 25% tùy từng địa phương.
Đến chăn nuôi, thủy sản
Một số tỉnh, thành phố đã xây dựng mô hình chuỗi liên kết trong chăn nuôi, thủy sản, hay xây dựng cánh đồng lớn trên rau, cây ăn quả và cây công nghiệp. Điển hình là chuỗi giá trị sữa và sản phẩm sữa của Tập đoàn Vinamilk và TH TrueMilk. Trong đó Vinamilk thu mua phần lớn sữa tươi từ hơn 5.000 hộ chăn nuôi bò sữa đã ký hợp đồng với doanh nghiệp với tổng đàn bò sữa đạt 65 nghìn con, cung ứng khoảng 460 tấn sữa tươi nguyên liệu/ngày. Ngoài ra, Vinamilk có 5 trang trại bò sữa riêng với khoảng 8.000 con, cung ứng 90 tấn sữa tươi nguyên liệu/ngày.
Trong chuỗi giá trị thủy sản, Công ty cổ phần Hùng Vương tại khu Công nghiệp Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang là doanh nghiệp duy nhất có quy trình khép kín từ sản xuất thức ăn chăn nuôi đến nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu cá da trơn. Với 11 công ty con và liên kết, trải dài ở các lĩnh vực thức ăn, nuôi trồng, chế biến thủy sản, chủ yếu là cá da trơn. Nguồn nguyên liệu cá tra, cá ba sa cho chế biến được cung cấp bởi các trang trại nuôi trồng thủy sản của công ty với tổng diện tích gần 150 ha. Ngoài ra, công ty hợp tác lâu dài với các hộ chăn nuôi cá với diện tích nuôi trồng hơn 150 ha. Hình thức hợp tác là công ty đầu tư thức ăn và khoán chi phí trên 1 kg nguyên liệu. Vùng nguyên liệu trải dài ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang. Công ty cổ phần Hùng Vương còn có nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản để chủ động thức ăn trong nuôi trồng.
Nếu Công ty cổ phần Hùng Vương được mệnh danh là vua cá thì Công ty cổ phần tập đoàn Thủy sản Minh Phú được mệnh danh là vua tôm ở Việt Nam. Tập đoàn Minh Phú đã xây dựng chuỗi giá trị tôm khép kín từ nghiên cứu và phát triển, trại giống, thức ăn, vùng nuôi, chế biến, xuất khẩu và logistics. Hiện tại, Tập đoàn Minh Phú có tổng cộng 10 công ty thành viên, gồm bốn nhà máy chế biến tôm và tám công ty trực thuộc. Mỗi thành viên là một mắt xích quan trọng trong toàn bộ chuỗi giá trị sản xuất tôm của Minh Phú. Con tôm của Minh Phú đang có mặt tại hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, với doanh thu hơn 10 nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Xây dựng niềm tin
Liên kết chuỗi trong khu vực nông, lâm, thủy sản đã và đang hình thành và phát triển bền vững. Tuy nhiên, theo Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, các mô hình liên kết tập trung đối với lúa, chưa đa dạng ở các vùng miền, lĩnh vực sản xuất khác nhau, hợp đồng liên kết vẫn còn mang tính hình thức, chỉ khoảng 30% số mô hình liên kết thật sự có hoạt động đầu tư, chuyển giao khoa học - kỹ thuật gắn với tiêu thụ nông sản. Đối với liên kết trong sản xuất cà-phê, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún cản trở việc hình thành và phát triển các mô hình liên kết; mức độ liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân còn lỏng lẻo và chưa xác định hài hòa lợi ích giữa các bên; tình trạng vi phạm hợp đồng và vỡ cam kết vẫn thường xuyên xảy ra. Cơ chế thực thi pháp luật trong xử phạt vi phạm hợp đồng hoặc phá vỡ cam kết giữa doanh nghiệp và nông dân gặp nhiều khó khăn. Trong điều kiện như vậy, để liên kết chuỗi sản xuất trong nông nghiệp thật sự hiệu quả, việc xây dựng niềm tin giữa doanh nghiệp và nông dân đóng vai trò quyết định.
Theo Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, mức độ bền vững của các liên kết, hay nói cách khác các liên kết lâu dài, bền chặt trong sản xuất nông nghiệp không phụ thuộc vào hình thức của các liên kết phi chính thức, hợp đồng miệng, hay hợp đồng văn bản, mà phụ thuộc vào cơ chế thưởng, phạt hiệu quả, nhằm bảo đảm các mắt xích trong chuỗi tuân thủ theo đúng các luật lệ, quy định, tiêu chuẩn đã được thiết lập, và mức độ tin tưởng lẫn nhau giữa các mắt xích trong chuỗi, nhất là với mắt xích lãnh đạo, dẫn dắt chuỗi. Do đó các doanh nghiệp dẫn dắt, lãnh đạo chuỗi phải có trách nhiệm hỗ trợ các mắt xích, nhất là nông dân để đổi mới và nâng cấp chuỗi.
Quá trình liên kết các doanh nghiệp phải gắn với các tổ hợp tác, hợp tác xã ngay từ đầu để cùng xây dựng chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ. Các vùng nguyên liệu cần bảo đảm các khâu từ sản xuất, thu hoạch, bảo quản cũng như sử dụng giống phù hợp điều kiện sinh thái của từng vùng và thị trường. Bên cạnh đó, không thể thiếu sự hỗ trợ của Nhà nước bằng các chính sách khuyến khích liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn theo Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25-10-2013 của Thủ tướng Chính phủ, tạo sự liên kết vững chắc giữa doanh nghiệp và nông dân, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững.
Theo Xuân Hiền /Báo Nhân Dân.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn