Mô hình được ứng dụng công nghệ sinh thái, xây dựng bể chứa vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật, bảo vệ sức khỏe công đồng và tăng thu nhập cho nông dân.
Ông Nguyễn Văn Đởm, Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Cầu Kè cho biết, tham gia mô hình trồng lúa ứng dụng công nghệ sinh thái có 55 hộ nông dân người dân tộc Khmer, sản xuất trên diện tích 40 ha, do Công ty Sygenta hỗ trợ và Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện hỗ trợ về mặt kỹ thuật, các loại cây hoa giống, như: hướng dương, vạn thọ, cúc, móng tay trồng trên bờ ruộng để dẫn dụ, nuôi dưỡng các loài thiên địch có lợi tiêu diệt các loài côn trùng, sâu rầy có hại cho cây lúa, giúp giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật.
Nông dân Kim Tài tham gia mô hình cho biết, nhờ ứng dụng việc trồng hoa, ruộng lúa của ông đã giảm đến 4 lần phun thuốc trừ sâu rầy so với cách trồng lúa thông thường, năng suất lúa vẫn đạt 8,5 tấn /ha, có hộ đạt đến 10 tấn/ha.
Bên canh đó, các hộ tham gia mô hình còn nâng cao được ý thức việc thu gom các bao bì, vỏ chai thuốc hóa học để bảo vệ môi trường, hạn chế ảnh hưởng xấy đến sức khỏe cho bản thân và mọi người.
Qua tổng kết đánh giá, mô hình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường” ứng dụng công nghệ sinh thái trồng lúa tại ấp Ô Rồm trong vụ Đông Xuân đã đem lại lợi nhuận cho hộ nông dân bình quân 30 triệu đồng/ha, cao hơn ruộng lúa ngoài mô hình 5 triệu đồng/ha.
Lượng rác thải vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật được các hộ nông dân thu gom tất cả để xử lý an toàn hơn 400 kg.
Hiện nay, số hộ nông dân trong mô hình tiếp tục áp dụng sản xuất lúa trong vụ Hè Thu.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong tỉnh vận động khuyến khích nông dân thực hiện nhân rộng mô hình.
Phúc Sơn/TTXVN
Nguồn: bnews.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn