Nhằm nâng cao thu nhập, từng bước cải thiện đời sống cho người nông dân, những năm qua, huyện Sóc Sơn tập trung chỉ đạo, làm tốt công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Nhiều vùng sản xuất tập trung đã được hình thành, mang lại giá trị kinh tế cao.
Giá trị canh tác đạt 135 triệu đồng/ha
Đến xã Đông Xuân thời điểm này, người ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những cánh đồng ngát hương, ngập tràn màu trắng của hoa nhài. Đang vào độ thu hoạch, bà con tập trung, tranh thủ xuống đồng thu hái hoa nhài. Vừa thoăn thoắt lượm từng nụ hoa, chị Lê Thị Thủy (thôn Cả) vừa cho biết, hoa nhài nở phải thu hoạch ngay trong ngày, bởi để tới ngày hôm sau, hoa nở quá to, thương lái sẽ không thu hoặc mua với giá rất rẻ. Theo chị Thủy, so với cây lúa, hoa nhài đem lại giá trị kinh tế cao gấp 5 - 8 lần. Ông Nguyễn Ngọc Tân - Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn cho hay, toàn huyện hiện có trên 148ha trồng hoa nhài, tập trung tại các xã Phù Lỗ, Đông Xuân và Bắc Phú cho giá trị kinh tế trên 450 triệu đồng/ha. Điều đáng nói, bà con nông dân trồng nhài có thể yên tâm sản xuất mà không phải lo đầu ra, do được Hiệp hội Hoa nhài huyện Sóc Sơn ký hợp đồng thu mua.
Vùng chuyên canh hoa nhài là một trong những mô hình kinh tế nông nghiệp đang phát huy hiệu quả tốt, góp phần cải thiện đáng kể đời sống bà con nông dân. Nhưng trên địa bàn huyện Sóc Sơn không chỉ có một “điểm sáng” như trên. Ông Tân cho biết, địa phương đang hết sức quan tâm, đầu tư phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp chuyên canh. Có thể kể tới vùng trồng rau an toàn, rau hữu cơ 450ha; vùng trồng chè VietGAP, chè an toàn 200ha; vùng trồng bưởi Diễn, cam Canh theo hướng an toàn 300ha; vùng trồng lúa nếp cái hoa vàng đặc sản 250ha; mô hình trồng cây dược liệu (nhân trần, dây thìa canh, râu mèo, kim ngân, trà hoa vàng... 25ha; mô hình trồng ớt an toàn xuất khẩu theo chuỗi 10ha; vùng trồng đào phai 35ha; vùng trồng đu đủ VietGAP an toàn 200ha; vùng trồng dưa lê siêu ngọt an toàn 25ha; vùng trồng hoa cao cấp 6ha. Giá trị sản xuất nông nghiệp đại trà trung bình đạt trên 135 triệu đồng/ha.
Tăng giá trị sản xuất
Nhằm tạo tiền đề cho quy hoạch, phát triển những vùng sản xuất chuyên canh, công tác dồn điền đổi thửa được huyện tập trung đẩy nhanh. Kết quả đến nay, Sóc Sơn đã dồn được gần 11.000ha và là một trong những địa phương dẫn đầu toàn TP. Đây là điều kiện tiên quyết để Sóc Sơn triển khai có hiệu quả các mô hình kinh tế.
Bà Vi Thị Bình Anh - Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho biết, trong quá trình phát triển nông nghiệp, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và hình thành chuỗi liên kết được địa phương đặc biệt chú trọng. Ngoài 35 vùng sản xuất chuyên canh (hoa nhài, cây ăn quả, chè...) cho giá trị kinh tế trung bình từ 350 - 400 triệu đồng/ha, một số mô hình cho giá trị kinh tế từ 1,5 - 5 tỷ đồng/năm đang ngày một phổ biến như rau hữu cơ, trồng hoa cao cấp (lan, ly), trồng nấm công nghệ cao. Đến nay, huyện đã hình thành được 5 chuỗi liên kết trong sản xuât nông nghiệp gồm: rau màu, cây ăn quả, hoa nhài, gà đồi và cây dược liệu.
Để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, tạo đầu ra ổn định cho nông sản, huyện Sóc Sơn tập trung hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho nông sản phẩm. Đến nay, một số thương hiệu như gà đồi, chè, nấm ăn đang từng bước thâm nhập sâu rộng và chiếm lĩnh thị trường nông sản an toàn của Thủ đô. Đánh giá cho thấy, hiệu quả kinh tế cho người sản xuất tăng từ 1,5 - 2 lần. Đến nay, đã có hàng chục DN ký hợp đồng tiêu thụ rau hữu cơ, chè an toàn, cây ăn quả, hoa nhài... Điều này giúp bà con nông dân yên tâm, đầu tư phát triển sản xuất. Với mục tiêu tiếp tục nâng cao giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, trong năm 2017, huyện Sóc Sơn sẽ tiếp tục tập trung triển khai đầy đủ, kịp thời, có hiệu quả các chính sách hỗ trợ chung của TP đối với từng nhóm cây trồng. Cùng với việc nghiên cứu đánh giá, từng bước nhân rộng những mô hình nông nghiệp cho giá trị kinh tế cao gắn với chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ bền vững, địa phương sẽ tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng hướng tới phát triển những vùng chuyên canh mới.
Theo Lâm Nguyễn/kinhtedothi.vn