Theo đó, huyện đặc biệt quan tâm thực hiện các giải pháp đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, hỗ trợ phát triển chăn nuôi, trồng trọt, góp phần cải thiện đời sống người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số thông qua các chương trình giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất, nhà ở...
Chăn nuôi là một trong những mô hình giúp huyện Đầm Hà giảm nghèo bền vững |
Một trong những cách làm hiệu quả của huyện Đầm Hà là thường xuyên kiểm tra, rà soát số hộ nghèo trên địa bàn, đồng thời tìm nguyên nhân dẫn đến đói nghèo, từ đó đưa ra giải pháp giúp người dân vươn lên. Không chỉ được quan tâm hỗ trợ về nhà ở, đất sản xuất, huyện Đầm Hà còn giao cho các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện việc tín chấp với ngân hàng tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với nguồn vốn vay để đầu tư vào sản xuất.
Từ năm 2016 đến nay, tổng nguồn vốn chương trình 135 trên địa bàn huyện là 106,536 tỷ đồng, huyện đã đầu tư hơn 92,8 tỷ đồng cho xây dựng cơ sở hạ tầng đối với các xã thuộc chương trình 135 và hỗ trợ hơn 13,5 tỷ đồng cho 1.028 hộ nghèo tại các xã Quảng An, Quảng Lâm, Quảng Lợi, Quảng Tân, Dực Yên phát triển sản xuất.
Ngoài ra, huyện Đầm Hà cũng thực hiện hiệu quả các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn, trong đó phải kể đến mô hình hỗ trợ bò giống sinh sản đối với các hộ nghèo. Năm 2016-2017, huyện đã hỗ trợ 40 hộ nghèo tham gia nuôi bò giống sinh sản với kinh phí hỗ trợ hơn 1,3 tỷ đồng và 3 mô hình chăn nuôi lợn, trồng trọt...
Sau gần 2 năm triển khai mô hình này đã có 62/80 hộ nghèo thoát nghèo. Năm 2018, huyện Đầm Hà cũng đã triển khai hỗ trợ 40 hộ nghèo, cận nghèo tham gia mô hình nuôi bò giống sinh sản, nguồn ngân sách hỗ trợ 600 triệu đồng (mỗi hộ 1 con giống, trị giá 15 triệu đồng). Kinh phí đối ứng của các hộ nghèo, cận nghèo tham gia mô hình khoảng 360 triệu đồng.
Cùng với đó, huyện Đầm Hà cũng triển khai hiệu quả chương trình hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người lao động. Trong 8 tháng năm nay, huyện đã phối hợp với các ngân hàng cho hơn 4.200 lượt hộ dân vay vốn phát triển sản xuất với số tiền hơn 181 tỷ đồng, trong đó có 450 hộ nghèo, 786 hộ cận nghèo với số vốn gần 50 tỷ đồng.
Từ năm 2016 đến nay, huyện đã mở được 12 lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp cho 355 người là lao động nông thôn, đạt 67,6% so với kế hoạch; tạo việc làm mới cho hơn 2.500 lao động; tuyển sinh 355 người học nghề phi nông nghiệp... Tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện ước đạt 57%.
Ảnh: V.Q |
Đầm Hà đã cấp 56.675 lượt thẻ BHYT cho các đối tượng chính sách xã hội, người nghèo, trong đó có 2.297 người thuộc hộ nghèo, 2.827 người thuộc hộ cận nghèo, 25.664 người dân đang sinh sống tại xã khó khăn, đặc biệt khó khăn, 25.887 người thuộc hộ gia đình làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình.
Thực hiện Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ (Chương trình 167 - giai đoạn 2), huyện Đầm Hà có 134 hộ gia đình thuộc diện được hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà ở, đến nay huyện đã hoàn thành xây mới, sửa chữa nhà ở cho 90 hộ và đang triển khai thực hiện đối với 44 hộ.
Nhờ thực hiện lồng ghép hiệu quả các chương trình dự án hỗ trợ của Nhà nước với việc tuyên truyền khuyến khích người dân nâng cao ý thức trong công tác giảm nghèo, bộ mặt nông thôn của huyện Đầm Hà có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.
Trong 2 năm 2016-2017, toàn huyện đã có 1.033 hộ thoát nghèo. 6 tháng đầu năm nay đã có 152 hộ thoát nghèo.
Năm 2018, huyện Đầm Hà phấn đấu có 358 hộ thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống còn 2,09%. Để đạt được mục tiêu này, Đầm Hà tiếp tục thực hiện các chính sách giảm nghèo thường xuyên, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trong đó tập trung vào đầu tư kết cấu hạ tầng ở các địa bàn đặc biệt khó khăn; hỗ trợ sản xuất, tăng thu nhập cho người nghèo; xây dựng, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn