Ông Châu cho biết, trước đây trên diện tích ruộng, gia đình ông chuyên trồng lúa, năng suất thấp và thường là không có lãi nên cuộc sống rất chật vật. Từ khi được Hội ND và Trung tâm Khuyến nông huyện Thủ Thừa hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Bản thân ông cũng thường xuyên lên mạng internet tìm hiểu những cây trồng hiệu quả kinh tế cao có thể thay thế cây lúa ở vùng đất nhiễm phèn. Qua tìm hiểu, ông quyết định cải tạo ruộng thành khu trồng trọt, khu ao nuôi cá. Khu trồng trọt được ông Châu chuyển từ trồng lúa sang trồng cây rau tần (húng chanh), cây sả. Trên các bờ liếp, bờ ao, ông Châu trồng cây ăn quả như mít, mảng cầu xiêm, dừa…
Ông Trương Văn Châu giới thiệu về mô hình trồng cây rau tần bán cho doanh nghiệp dược chế biến thành thuốc chữa bệnh. Ảnh: Kim Phụng
Ông Châu phấn khởi tính toán: “Mỗi năm, bình quân tôi trồng được gần 4 vụ rau tần. Mỗi công rau tần (1.000m2) tôi thu hoạch hơn 7 tấn, giá bán mỗi ký cho công ty là 4.000 đồng. Vị chi, mỗi vụ rau tần tôi thu về gần 30 triệu đồng, mỗi năm thu gần 120 triệu đồng”.
Theo chân ông Châu đi qua những liếp rau tần cách nhau bằng các bờ mương dẫn nước nhỏ, tôi mới thấy hết sự nhạy bén của lão nông này khi biết áp dụng kỹ thuật trồng rau tần của các kỹ sư truyền đạt cho. Chỉ xuống dưới ao, ông Châu cho hay gia đình nuôi các loại cá như điêu hồng, trắm cỏ, cá chép, mè…Trong ruộng, trên bờ ao, ngoài vườn chỗ nào cũng được ông Châu trồng sả. Bình quân mỗi công đất, ông Châu thu hoạch 2 tấn sả. Sả thu hoạch cũng được ông bán cho doanh nghiệp dược ở TP.HCM và mang lại nguồn lợi nhuận không hề nhỏ.
Theo Kim Phụng/ Dân Việt
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn