Anh Đỗ Phú Chính tự tay tỉa tót và chăm bón cho những gốc hồng cổ trong vườn. Trở thành tỷ phú từ đam mê hoa hồng
Từ nhỏ, anh Đỗ Phú Chính (tổ 14, thị trấn Sa Pa) đã yêu thích vẻ đẹp kiêu sa của hoa hồng. Đặc biệt là giống hồng cổ Sa Pa có nguồn gốc từ Pháp, được du nhập vào Việt Nam từ đầu thế kỷ 19. Giống hồng này gặp khí hậu mát mẻ của Sa Pa sinh trưởng và phát triển tốt, trở thành giống hoa hồng bản địa.
Anh Chính kể: “Vườn nhà tôi trồng nhiều hoa hồng nhưng quý nhất là cây hồng cổ Sa Pa hơn 30 năm tuổi, ra hoa quanh năm. Bông to bằng miệng bát con, các lớp cánh dày xếp khít nhau khoe sắc phớt hồng trông rất đẹp mắt. Giống hồng này còn tỏa mùi hương ngọt ngào quyến rũ”.
Năm 2012, anh Chính bắt đầu mày mò tìm cách nhân giống cây hồng quý. Lúc đầu, anh nhân giống được khoảng 200 cây, trồng ra vườn để thỏa mãn niềm đam mê của mình. Nhưng không ngờ, vườn hoa của anh thu hút khá nhiều khách du lịch đến thưởng lãm. Lượng khách dừng chân tại vườn hồng quá đông, anh bàn với gia đình kết hợp mở dịch vụ du lịch, tham quan, ăn uống và nghỉ dưỡng (homestay).
Có nguồn thu, anh tập trung chăm sóc vườn hồng. Chỉ trong vài năm, khu vườn của anh đã có đến 70 loài hoa hồng các loại, nhiều loại hồng cổ Việt Nam và những giống hồng ngoại cao cấp, nhưng chủ yếu là hoa hồng cổ Sa Pa.
Gắn bó với vườn hồng, anh Chính hiểu rõ từng đặc tính của cây, khi thời tiết mưa, mù, độ ẩm quá cao, hồng dễ bị nấm bệnh. “Với kinh nghiệm lâu năm, tôi đã tìm ra cách phòng và điều trị thành công các bệnh của hoa hồng, đặc biệt là đối với hồng cổ, bông to, cánh đẹp. Mỗi năm, trừ chi phí đầu tư khoảng 150 triệu đồng cho công chăm sóc, phân bón, thuốc phòng bệnh…, tôi thu về gần 1 tỷ đồng từ bán giống và cây. Một cây hồng cổ Sa Pa đẹp, tuổi đời lâu năm có thể được trả giá lên tới hàng chục triệu, thậm chí cả trăm triệu đồng”, anh Chính chia sẻ.
Vườn hồng 3ha của anh Chính hiện có khoảng 3.000 gốc hồng cổ các loại.
Làm giàu nhờ nông nghiệp công nghệ cao
Là kỹ sư nông nghiệp trẻ, Trần Tuấn Nghĩa gắn bó với nông nghiệp từ những ngày đầu khởi nghiệp. Tận dụng thế mạnh về điều kiện tự nhiên của Sa Pa, anh cùng hai người bạn đưa dâu tây về trồng trên diện tích 7.000m2 tại thôn Má Tra (xã Sa Pả). Chi phí thấp, cây lại sinh trưởng tốt, sai quả, vào mùa thu hoạch, trung bình mỗi ngày các anh thu được 2 triệu đồng.
Mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật, anh Trần Tuấn Nghĩa đã tạo ra khu trồng dâu tây công nghệ cao đầu tiên ở Sa Pa trên diện tích 2ha. Bắt đầu trồng từ tháng 10/2016, đến tháng 1/2017, cây bắt đầu cho thu hoạch. Dâu tây hay bị sâu bệnh gây hại, lại trồng ngoài trời nên cuối tháng 4 gặp mưa, cây thối hết quả. Anh Nghĩa chia sẻ: “Năm đấy chúng tôi hoà vốn. Năm thứ 2, rút kinh nghiệm, chúng tôi áp dụng trồng trong nhà lưới tự chế bằng tre, thấp, giống cũng mới nên vừa làm vừa mày mò cách chăm sóc. Tuy nhiên, vì chưa có kỹ thuật, trồng hơi muộn nên cây cho năng suất thấp, quả chua, cây lại gặp nhiều bệnh nên lỗ to”.
Đến năm thứ 3, Nghĩa mạnh dạn trồng dâu theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Vì đây là hình thức sản xuất mới, ở Lào Cai chưa có ai làm, chi phí đầu tư lên đến tiền tỷ nên các bạn anh rút lui vì không muốn mạo hiểm. Nghĩa thuyết phục gia đình cắm bìa đỏ để vay ngân hàng hơn 2 tỷ để đầu tư trồng dâu một cách bài bản theo công nghệ Nhật Bản. Mô hình công nghệ cao này khác hẳn với trồng trọt truyền thống, phải san gạt đất, làm nhà lưới, chuẩn bị giá thể, hệ thống tưới tự động với nhiều yêu cầu kỹ thuật khác… khiến Nghĩa lại thiếu vốn và gặp phải không ít khó khăn. Nhưng bằng đam mê và nhiệt huyết tuổi trẻ, anh đã thu được thành quả xứng đáng.
Vườn dâu luôn nườm nượp khách đến tham quan, hái mua tại vườn nhà anh Nghĩa. Bởi trồng theo hướng công nghệ cao nên dây tây ít bị dịch bệnh, hầu như không phải sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật. Quả dâu to đều, thơm, ngọt. Vườn dâu tây trở thành điểm đến tham quan, thưởng thức của khá đông người dân địa phương và du khách mọi miền. Nghĩa không phải lo thị trường cho sản phẩm mà cứ đến mùa, khi những trái dâu chín đỏ rực trên giá thể là lúc khách tự tìm đến đắm mình trong không gian ngọt mát của vườn dâu mơn mởn để tự tay lựa những quả to, mọng nhất, vừa thích thú thưởng thức vị ngọt đậm thơm nồng, vừa tỷ mẩn đóng gói mang về như một thứ quà hảo hạng tặng người thân.
Hình thức trải nghiệm hái dâu rất mới mẻ nên thu hút nhiều khách du lịch. Hiện, dâu bắt đầu vào vụ thu hoạch nhưng mỗi ngày có đến gần trăm lượt khách. Thời điểm chính vụ là qua Tết âm lịch, giá dâu tây 200.000-250.000 đồng/kg, trung bình anh Nghĩa thu về 7-8 triệu đồng/ngày. Dịp cao điểm như 30/4, 1/5, 2/9, Tết Dương lịch, thu nhập từ bán sản phẩm lên đến 20 triệu đồng/ngày sau khi trừ chi phí. Mỗi năm anh bỏ túi nửa tỷ đồng từ vườn dây tây.
Thưởng thức sản vật địa phương là niềm đam mêm không thể thiếu trong hành trình khám phá thiên đường du lịch của nhiều du khách. Trần Tuấn Nghĩa cho biết: “Tuy làm nông nghiệp kết hợp du lịch trải nghiệm nhưng tôi không bán vé, khách thoải mái vào tham quan, nếu muốn mua, tôi chỉ tính tiền sản phẩm theo giá niêm yết. Năm 2019 này, tôi sẽ mở rộng vườn dâu lên 2ha, trồng thêm nhiều loại giống dâu tây mới của Mỹ, Nhật...và giống dâu xứ nóng cho quả quanh năm để khu vườn trở nên sinh động, đẹp mắt như khu vườn sinh thái, mang đến cho du khách những sản phẩm lạ, ngon, sạch và chất lượng nhất”.