Đó là tâm sự của cô gái quê Thanh Hóa, 1 trong 20 đội viên dự án 600 phó chủ tịch xã của tỉnh Bình Định Lê Thị Kim Anh (SN 1988). Là sinh viên Tổng hợp Văn khóa 30 của Đại học Quy Nhơn, vừa ra trường (năm 2011), Kim Anh nghe thông tin về đề án. Đang phơi phới sức xuân, Kim Anh nộp hồ sơ tham gia để “thử sức” mình.
Phó chủ tịch xã Canh Thuận Lê Thị Kim Anh trò chuyện cùng PV |
Em được Sở Nội vụ Bình Định chọn theo kết quả phỏng vấn, sau đó Kim Anh chọn công tác tại huyện miền núi Vân Canh cùng 4 đội viên khác. Về đây, Kim Anh đảm nhận chức danh Phó chủ tịch UBND phụ trách văn hóa xã hội của xã Canh Thuận. Vậy là cô sinh viên vừa ra trường bước vào cuộc sống thực tế với những thách thức không nhỏ trên cương vị lãnh đạo xã.
“Khi đi học, em nghĩ sau khi ra trường mình sẽ làm giáo viên. Không ngờ sau khi tham gia đề án 600, chính em đã tự tạo bước ngoặt cho cuộc đời mình khi đảm nhận chức phó chủ tịch xã. Bỡ ngỡ thật đấy, nhưng tự nhủ đây cũng cách tự rèn luyện bản thân nên em cố gắng”, Kim Anh tâm sự.
“Vạn sự khởi đầu nan” của Kim Anh là xã Canh Thuận có 8 thôn, làng với trên 900 hộ dân (hơn 3.000 nhân khẩu) thì chỉ có 1 thôn người Kinh, còn lại là các thôn, làng của đồng bào các dân tộc Bana, Chăm, Thái sinh sống, đồng bào dân tộc ở đây chiếm đến 90% dân số. Để có thể tiếp xúc, làm việc với người dân, Kim Anh đã phải “mướt mồ hôi” học “ngoại ngữ”.
Lại không phải là người bản địa nên Kim Anh chưa hiểu những phong tục, tập quán của các đồng bào. Vậy là Kim Anh đi cơ sở không ngơi nghỉ để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của họ. “Ấy vậy, nhưng dù có nỗ lực đến mấy thì cũng chẳng thể học thấu đáo ngôn ngữ của các dân tộc, do vậy trong lúc tiếp xúc với người dân, em phải “đọc” ngôn ngữ điệu bộ để đoán họ muốn nói gì. Lâu riết thành quen!”, Kim Anh nhớ lại.
Sau 5 năm “ăn cùng ở cùng” với bà con, Kim Anh nhận ra 1 điều, nếu mình xem họ như người thân, thể hiện được mong muốn mang điều tốt đến cho họ thì họ sẽ đối xử với mình tương tự, nên làm việc rất thuận lợi. Mình tuyên truyền, vận động họ loại bỏ những hủ tục đã ăn sâu trong tiềm thức của họ, nhưng họ vẫn nghe theo. Đặc biệt, tính cộng đồng của đồng bào rất cao nên điều tốt lan truyền nhanh.
Tôi hỏi cô gái trẻ thấy mình như thế nào sau 5 năm đảm nhận chức danh phó chủ tịch xã, Kim Anh bộc bạch: “Em thấy mình học hỏi được nhiều hơn từ cuộc sống, trưởng thành hơn, không còn yếu đuối như cô sinh viên mới ra trường”.
Về Vân Canh nhận công tác cùng lúc với Kim Anh là anh Phan Trọng Thảo (SN 1986), người ở phường Nhơn Bình (TP Quy Nhơn). Thảo tốt nghiệp khoa Sinh - Kỹ thuật nông nghiệp ngành nông học tại ĐH Quy Nhơn. Nghe thông tin Bình Định sắp triển khai đề án 600, Thảo đăng ký tham gia để “thử sức” và được phân về làm Phó Chủ tịch UBND xã Canh Hiển phụ trách kinh tế.
Phó chủ tịch xã Canh Hiển (phải) đóng góp nhiều cho địa phương trong lĩnh vực nông nghiệp |
Khi đảm nhận công việc mới, Thảo được thường xuyên tạo điều kiện cho đi thực địa những cánh rừng, những đồng lúa, tiếp xúc với nông dân. “Người dân có nhiều ý tưởng rất hay và sát với thực tế SX, nếu biết lắng nghe họ chắc chắn mình sẽ có những chỉ đạo sâu sát, sẽ thành công”, Thảo chia sẻ.
5 năm đảm nhận chức danh phó chủ tịch xã, Phan Trọng Thảo đã để lại cho vùng đất khó này những cách làm ăn mang tính đột phá. Ngay những ngày đầu nhận công tác, Thảo đã thể hiện “máu nghề” bằng cách phối hợp với Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ xây dựng nhiều mô hình trồng lúa trên đất nhiễm phèn, giúp Canh Hiển thoát được cái “vòng kim cô” về năng suất, đưa được tiến bộ KHKT đến với nông dân.
“Trước đây, năng suất cây lúa trên đất nhiễm phèn chỉ đạt khoảng trên 52 tạ/ha. Từ vụ hè thu 2012, sau khi áp dụng KHKT vào SX, năng suất lúa trên đất phèn tăng đến 60 tạ/ha”, Thảo chia sẻ.
Sau đó, Thảo tiếp tục phối hợp với Hội Nông dân huyện Vân Canh xây dựng mô hình nuôi cá điêu hồng trong hồ chứa nước Quang Hiển, mô hình này cũng thành công rực rỡ. Sau đó, Thảo tiếp tục xây dựng mô hình CĐML lúa lai TH3-3 với 30ha, xã dùng nguồn vốn NTM hỗ trợ giống cho bà con, đây được đánh giá là mô hình lúa lai đầu tiên của huyện Vân Canh đạt năng suất trên 70 tạ/ha.
Năng động hơn, Thảo đã tự bỏ vốn, bỏ công cùng mấy anh em trong xã xây dựng mô hình trồng nấm bào ngư. Tự bản thân Thảo pha chế cơ chất, hấp, cấy meo và trồng. Mô hình này đã mang đến cho nhiều nông dân 1 nghề mới cho thu nhập cao. Cả đề án xây dựng NTM giai đoạn 2013 - 2020 của xã cũng tự bản thân Thảo soạn thảo.
Một đóng góp khác của “phó chủ tịch xã 600” Phan Trọng Thảo để lại cho Canh Hiển là đề án cải tạo, phục hóa đất nông nghiệp với diện tích 4,8ha, kinh phí do huyện Vân Canh hỗ trợ 10 triệu đồng/ha. Thảo vận động bà con bỏ thêm kinh phí, cải tạo những vùng đất đồi gò. Hiện những diện tích này đã được bà con đưa vào trồng lúa và cây màu.
Từ những đóng góp của mình, sau 5 năm công tác trên cương vị Phó chủ tịch xã Canh Hiển, Phan Trọng Thảo được Bộ Nội vụ khen thưởng do đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được UBND tỉnh Bình Định đề xuất với TƯ Đoàn khen thưởng.
“Đề án 600 phó chủ tịch xã là chủ trương đúng, các huyện nghèo được bổ sung nguồn nhân lực chất lượng, làm tiền đề để Bình Định tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách phát hiện, tuyển chọn và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trẻ. Tuy nhiên, một số cán bộ không chuyên trách cấp xã còn thiếu nhiệt tình trong công tác, dẫn đến khó khăn khi giao nhiệm vụ, chỉ đạo, điều hành công việc của đội viên dự án”, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, đánh giá.Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn