Nghề nuôi ngựa bạch manh nha phát triển ở Hữu Kiên từ khoảng những năm 1990 khi các sản phẩm từ ngựa bạch, nhất là cao ngựa bạch được đánh giá có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe, có giá trị cao về mặt y học. Tuy nhiên, theo thời gian số đàn ngựa thưa và ít dần.
Cho đến vài năm trở lại đây nhận thấy giá trị rất lớn từ con ngựa bạch, cung không đủ cầu, lại không mất công chăn thả nên nhiều hộ dân xã Hữu Kiên bắt đầu tăng đàn, phối giống để lai tạo ra những con ngựa bạch thuần chủng đẹp như tranh vẽ. Nhờ nuôi ngựa bạch (bạch mã) thuần chủng mà dọc con đường quanh co uốn lượn vào bản không khó để bắt gặp hình ảnh những ngôi nhà khang trang mái đỏ nổi bật giữa không gian núi rừng.
Ngựa bạch ở xã Hữu Kiên được chăn thả tự nhiên trên các đồi cỏ, thảo nguyên rộng lớn.
Chỉ tay về phía quả đồi sau nhà-nơi đàn ngựa gia đình đang thong dong gặm cỏ, anh Chưng tâm sự: “Nói thật, nếu không có con ngựa bạch, bản nghèo này còn lâu nữa mới được như bây giờ. Nhiều nhà xây được nhà đẹp, sắm ô tô đi tất cả đều nhờ con ngựa bạch mà ra”.
Vừa chuẩn bị ngô hạt để bổ sung cho bữa tối khi đàn ngựa về, anh Chưng vừa cho biết thêm: Thiên nhiên ưu ái cho Hữu Kiên diện tích đồi cỏ rộng lớn, rất thuận lợi để chăn thả ngựa. Giống ngựa bạch này hiền, sức đề kháng rất tốt, chăn thả tự nhiên nên không mất công chăm sóc. Nhà nào cón điều kiện thì tối về cho ăn bổ sung rau cỏ và ngô hạt. “Mỗi sáng mở cửa chuồng là nó tự động đi kiếm ăn, theo thói quen tầm 4-5 giờ chiều những chú bạch mã lại thong dong về nhà đợi nơi máng ăn cỏ để được ăn ngô hạt”.
Theo anh Nông Văn Chưng, thức ăn chính cho đàn bạch mã là cỏ tự nhiên, nhưng có điều kiện thì nhiều gia đình cho ăn bổ sung thêm ngô hạt.
Theo kinh nghiệm 15 năm nuôi ngựa bạch của mình, anh Chưng cho biết cách xem một con ngựa bạch “xịn”. "Ngựa bạch chuẩn thì phải hội tụ đầy đủ các yếu tố mắt có màu trắng mây hay còn gọi là mắt mốc, chung quanh có 1 vòng màu đồng lửa, khi mặt trời đứng bóng, mắt sẽ bị lòa, thậm chí trong đêm, mắt bắt ánh sáng đèn, mắt ngựa đỏ như đốm lửa..".
Anh Chưng còn chia sẻ thêm, con ngựa bạch tốt thì các lỗ tự nhiên (lỗ ở bộ phận sinh dục, mũi, mõm) có màu hồng đỏ, bốn chân có móng sừng, màu cước ánh bạc. Chỉ thiếu một trong những đặc điểm trên thì đã bị loại ra khỏi "đội ngũ" ngựa bạch thuần chủng, lúc ấy chỉ còn được gọi là ngựa kim.
Có người còn nói rằng, vào giờ chính Tuất (20 giờ), nếu dùng đèn chuyên dụng soi vào đồng tử ngựa bạch phải chuyển từ hình tròn sang hình dạng chữ nhật nằm ngang mới chính cống là ngựa bạch. Hiện trên thị trường cung không đủ cầu nên việc đầu tư nuôi ngựa bạch là hợp lý.
Anh Nông Văn Chưng cho hay, những chú bạch mã đực mà có "mã", bộ lông trắng và mượt thường được thương lái trả giá rất cao.
“Thời điểm nhiều nhất nhà tôi nuôi 16 con ngựa bạch, nhưng hiện tại còn 12 con tính ra cũng mấy trăm triệu đang trên đồi”, anh Chưng cười đùa. Theo anh, ngựa bạch trưởng thành rất có giá, thường được dùng nấu cao bởi cao ngựa bạch giúp phòng ngừa và hỗ trợ điều trị các bệnh về xương khớp như viêm khớp dạng thấp, thấp khớp, thoái hóa xương khớp, thoát vị đĩa đệm.
“Trong xương ngựa bạch chứa cực kỳ nhiều canxi, protein, axit amin, keratin…Đây chính là lý do mà từ xưa tới nay rất nhiều người nhờ cao ngựa bạch đã thành công trong việc điều trị các bệnh do thiếu canxi, loãng xương, thoái hóa xương khớp, viêm khớp, đau nhức khớp...”-anh Chưng cho biết.
Anh Chưng bên một chú ngựa bạch đẹp nhất nhì đàn.
Theo tính toán của anh Chưng, ngựa cái đẻ mỗi năm một lứa, giá thị trường hiện nay một con ngựa bạch con khoảng 4 tháng tuổi có giá 15- 20 triệu đồng/con. Ngựa bạch đực trưởng thành có giá 50 -70 triệu đồng/con tùy “mã”, ngựa cái có giá khoảng 40 -50 triệu/con.
Đàn bạch mã nhà anh Chưng hiện tại có 8 con ngựa bạch cái, hứa hẹn trong năm nay sẽ có thêm 8 con ngựa con”. Nhờ nuôi ngựa bạch mà gia đình anh Chưng có thu nhập trăm triệu/năm, sắm sửa 2 ô tô chở hàng và máy xúc phát triển nhiều dịch vụ kinh doanh.
Nhận thấy giá trị kinh tế nên nhiều hộ gia đình hiện nay ở xã Hữu Kiên cũng mở rộng tăng đàn ngựa bạch và đầu tư bổ sung thêm thức ăn cho đàn ngựa.
Thấy mô hình có hiệu quả, nhiều người dân xã Hữu Kiên cũng mở rộng tăng đàn, hoặc tích góp mua ngựa về gây giống. Giờ đây đến Hữu Kiên vẫn là tầng tầng lớp lớp những ngọn núi cao hùng vỹ, từng đám mây uốn lượn vắt qua vạt rừng xanh mướt nhưng thấp thoáng là những ngôi nhà mái tôn đỏ 2 tầng nổi bật giữa núi rừng. Với trẻ con nơi đây, xe máy, xe ô tô, máy xúc đã hiển hiện ngay trước mắt không còn là những mô hình đồ chơi của vài năm trước đó.