Được mùa, được giá Ngay từ sáng sớm, ông Hoàng Văn Vọ ở thôn Lùng Vạng, xã Côn Minh, huyện Na Rì cùng vợ chuẩn bị dao, cuốc để đi thu hoạch dong riềng trên đất soi, bãi. Diện tích dong riềng của ông Vọ nằm ngay cạnh Quốc lộ 3B nên rất thuận lợi cho vận chuyển đi tiêu thụ. Cây dong nhiều củ nặng, nằm chặt dưới lớp đất nên việc cuốc bới lên phải là đàn ông khỏe mạnh. Ông bập từng nhát cuốc chắc nịch xuống lớp đất rồi bẩy mạnh lên, từng túm củ dong có màu tía hiện ra. Ông cười phấn khởi: “Năng suất dong củ năm nay tốt lắm, mỗi gốc này trung bình phải tới 5 kg củ. Năm nay được mùa”. Vụ dong riềng 2017 trong vòng 9 tháng, từ tháng 2, gia đình ông Vọ trồng 2,5 “bung” (2.500m2) dưới ruộng và khoảng một bung nữa trên đất đồi và soi bãi. Ông cho biết: “Năng suất dong riềng trồng dưới ruộng khoảng 80 tấn/ha; trên đất đồi đạt khoảng 70 tấn/ha. Giá bán đầu vụ hiện nay là 2.000 đồng/kg và được bao tiêu thu mua toàn bộ". Với giá này, vụ dong năm nay gia đình ông Vọ có thu nhập khoảng 120 triệu đồng, cao gấp ba, bốn lần so với trồng lúa. Na Rì là huyện trọng điểm về trồng cây dong riềng của Bắc Cạn, năm nào cũng dẫn đầu về diện tích và năng suất. Dọc theo tuyến Quốc lộ 3B từ TP Bắc Cạn đi vào huyện lỵ bát ngát dong riềng dưới ruộng rồi trên các soi, bãi, sườn đồi. Khoảng tháng 6 đến tháng 8, cây dong phát triển cao hơn 1m, tập trung tạo củ, hoa nở đỏ rực tạo nên cảnh tượng đẹp vùng sơn cước. Năm 2016, toàn huyện trồng được hơn 275 ha thì vụ này đã tăng lên hơn 454 ha. Năng suất dong củ đạt trung bình 70 tấn/ha, sản lượng củ đạt 31.788 tấn. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Na Rì Phạm Ngọc Thịnh bày tỏ: “Năng suất dong riềng đạt khoảng 70 tạ là cao rồi, nhưng chúng tôi vẫn trăn trở làm sao đạt tối đa tiềm năng năng suất của cây dong riềng trên một đơn vị diện tích”. Cách đây năm năm, ông Thịnh đã cùng cộng sự thử nghiệm nhiều phương pháp canh tác để tăng năng suất dong. Cuối cùng lựa chọn được cách trồng dong riềng lên luống. Bằng cách này, năng suất dong đạt hơn 85 tấn/ha, cao hơn 15 tấn so với canh tác truyền thống trong khi thu nhập cao gấp ba, bốn lần so với trồng lúa. Ông Thịnh nhẩm tính: “Mỗi ha dong cho thu nhập khoảng 140 triệu đồng. Với diện tích 450 ha, năm nay huyện sẽ thu về khoảng 40 tỷ đồng tiền bán dong củ”. Vụ dong 2017, toàn tỉnh Bắc Cạn đã trồng được 907 ha, vượt hơn 7% so với kế hoạch đề ra, gồm giống DR1 chiếm 90% diện tích, còn lại là giống địa phương DR49, DR3. Trong đó, hơn 80% diện tích trồng đất đồi và 20% trồng đất ruộng. Năng suất trung bình 70 tấn/ha, cho tổng sản lượng 63.490 tấn. Với giá bán từ 1.500 – 2.000 đồng/kg, nông dân sẽ thu về hơn 120 tỷ đồng tiền bán dong củ. “Đầu ra” ổn định Trước đây, do không có chính sách bảo đảm tiêu thụ ổn định nên người trồng dong riềng ở Bắc Cạn thường xuyên bị ép giá. Có thời điểm giá dong củ xuống tới 500 đồng/kg mà vẫn không ai mua. Bài toán được mùa, mất giá diễn ra dẫn tới có vụ diện tích lên tới hàng nghìn ha, có vụ chỉ vài trăm ha. Khắc phục vấn đề này, vụ dong riềng 2017, tỉnh Bắc Cạn chỉ đạo các cơ sở chế biến dong ký kết bao tiêu sản phẩm với người trồng. Theo đó, các cơ sở đăng ký khả năng bao tiêu, cung ứng giống, phân bón cho người dân. Người dân trồng, thu hoạch và bán cho các cơ sở. Đến tháng 8-2017, các cơ sở chế biến ký kết hợp đồng bao tiêu với từng hộ dân, trong đó cam kết giá thu mua dong củ tối thiểu là 1.500 đồng/kg, giá tối đa theo giá thị trường. Tổng diện tích đã được ký hợp đồng bao tiêu là 802/907 ha với sản lượng 51.173/63.490 tấn. Số diện tích còn lại do người dân tự bỏ vốn trồng, các cơ sở chế biến cũng sẽ chủ động thu mua. Từ dong củ, các cơ sở chế biến sản xuất ra tinh bột dong và sản phẩm miến dong mang thương hiệu Miến dong Bắc Cạn. Toàn tỉnh Bắc Cạn hiện có 36 cơ sở chế biến dong riềng với công suất chế biến 460 tấn củ/ngày và sản xuất hơn 13 tấn miến/ngày. Dự kiến trong vòng 140 ngày các cơ sở sẽ chế biến hết toàn bộ sản lượng dong củ trên địa bàn. Ông Nông Văn Chính, Chủ tịch Hội dong riềng Na Rì, chủ cơ sở sản xuất Chính Tuyển cho biết: “Toàn huyện có 23 cơ sở chế biến dong, trong đó 14 cơ sở vừa chế biến tinh bột vừa làm miến; chín cơ sở chuyên chế biến tinh bột. Chúng tôi bắt đầu đi vào sản xuất từ ngày 5-9, dự kiến trong vòng 115 ngày sẽ chế biến hết 30.788 tấn dong củ bao tiêu thu mua, thu về 5.234 tấn tinh bột. Lượng tinh bột sản xuất miến tại chỗ năm 2017 là 800 tấn; làm miến rải vụ 2018 là 200 tấn. Số còn lại xuất bán ra ngoại tỉnh. Giá tinh bột dự kiến 12.000 đồng/kg. Giá miến 52 nghìn đến 60 nghìn đồng /kg”. Sản phẩm miến dong Triệu Thị Tá ở xã Yến Dương, huyện Ba Bể được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía bắc. Tại Bắc Cạn có nhiều cơ sở chế biến đã sử dụng nhãn hiệu tập thể Miến dong Bắc Cạn như Hoàng Ngọc Hưng, Nguyễn Văn Tài, Trịnh Xuân Huấn, Nông Văn Chính, Nguyễn Văn Tuấn, Hợp tác xã miến dong Côn Minh, Triệu Thị Tá, Nhất Thiện… Sản phẩm Miến dong Nhất Thiện vừa được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu toàn quốc năm 2017. Miến dong Bắc Cạn đã được thị trường đón nhận và giúp nhiều hộ làm giàu, đặc biệt hứa hẹn tiêu thụ tốt vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Để đẩy mạnh sản xuất hàng hóa đối với cây dong riềng, tỉnh triển khai đề tài nghiên cứu khoa học thử nghiệm một số giống dong riềng, phân tích đánh giá chất lượng củ, từ đó tìm ra hai giống dong riềng DR1, DR49 phù hợp với điều kiện của tỉnh. Hỗ trợ tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật thâm canh tăng năng suất, chất lượng sản phẩm dong riềng và thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Tỉnh cũng hỗ trợ kinh phí xây dựng mô hình thâm canh, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm dong riềng với quy mô 5-10ha/mô hình, kinh phí 50 triệu đồng/mô hình, phấn đấu đến năm 2020 thâm canh diện tích 1.500 ha tại các huyện Na Rì, Ba Bể, Bạch Thông, Chợ Mới và Chợ Đồn. Hiện nay các cơ sở chế biến dong riềng đang thiếu vốn lưu động để thu mua, chế biến. Vay vốn để thu mua nên sau khi chế biến ra tinh bột, các cơ sở không thể tích trữ lượng bột được quá lâu do phải bán để thu hồi vốn. Đặc biệt, khi thời tiết mưa nhiều, không có nắng phục vụ chế biến miến thì lượng tinh bột bán đi sẽ càng lớn. Bên cạnh đó, phần lớn các hộ trồng dong dù đã được bao tiêu nhưng vẫn nấn ná việc khai thác nhằm chờ giá lên trong khi việc thu hoạch dong cần kết thúc trước 30-11, vì sau thời điểm này dong củ sẽ nảy mầm và lượng tinh bột sẽ giảm. Đây là vấn đề tỉnh cần quan tâm tháo gỡ để có thể chế biến hết lượng tinh bột sản xuất ra miến, nâng cao giá trị trong chuỗi sản xuất hàng hóa. Theo Thế Bình- Tuấn Sơn/báo Nhân Dân.vn
|
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn