08:48 EDT Thứ bảy, 27/04/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Điển hình TB, cách làm hay » Ngoài tỉnh


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Nông dân Đồng Tháp với những mô hình nông nghiệp mới

Thứ bảy - 10/11/2018 21:36
Nuôi thuỷ sản kết hợp trồng rau thuỷ canh (Aquaponics); ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt Israel để sản xuất nông sản sạch, kết hợp du lịch trải nghiệm là cách làm mới của nông dân Đồng Tháp hiện nay. Đây là những mô hình ứng dụng công nghệ tiên tiến để tạo ra nông sản sạch, an toàn, phù hợp với xu hướng phát triển nông nghiệp bền vững.
Rau được trồng theo phương pháp thuỷ canh tại nông trại của Công ty Nông sản Đồng Tháp AQUA luôn xanh tốt

Rau được trồng theo phương pháp thuỷ canh tại nông trại của Công ty Nông sản Đồng Tháp AQUA luôn xanh tốt

Aquaponics - hệ thống canh tác mới

Mô hình Aquaponics tại Công ty Nông sản Đồng Tháp AQUA (huyện Lấp Vò) là sự kết hợp giữa nuôi thuỷ sản (cá) và trồng rau thuỷ canh trong hệ thống nhà kính. Nước trong quá trình nuôi cá sẽ qua quy trình biến đổi sinh học, chuyển đổi chất thải của cá thành chất dinh dưỡng cần thiết cho rau, rau hấp thụ chất dinh dưỡng đó và lọc lại nước, nước được chuyển ngược về bể nuôi cá ban đầu.

Để đảm bảo cho rau phát triển tốt, người thực hiện mô hình phải cân đối giữa mật độ cá nuôi trong bể và diện tích trồng rau để có sự cân bằng, hài hoà về lượng dưỡng chất cần thiết cho rau. Chính vì thế, rau trồng theo mô hình này không sử dụng bất kỳ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nào khác.

Chia sẻ về lý do thực hiện mô hình khá mới này tại quê nhà, anh Nguyễn Tiến Thành – Giám đốc Công ty Nông sản Đồng Tháp AQUA cho biết, với số vốn tích luỹ được trong nhiều năm lao động vất vả, năm 2017, anh dự định khởi nghiệp với ngành nghề kinh doanh đèn led, điện thoại nhưng nhận thấy lĩnh vực này chưa thực sự là niềm đam mê của bản thân nên anh đăng ký tham gia các lớp tập huấn khởi sự lập nghiệp của tỉnh Đồng Tháp tổ chức để có thêm kiến thức thị trường cũng như lựa chọn được lĩnh vực khởi nghiệp phù hợp.

Qua thông tin từ các chuyên gia, cộng với mong muốn làm ra nông sản sạch để đảm bảo sức khoẻ của gia đình cũng như những người dân khác, anh Thành cất công tìm kiếm, học hỏi các mô hình nông nghiệp tiên tiến ở nhiều nơi. Anh đã chọn mô hình Aquaponics để bắt đầu hành trình làm nông nghiệp sạch của mình, mặc dù thời điểm đó anh không có chút kinh nghiệm gì về làm nông nghiệp.

Theo anh Nguyễn Tiến Thành, mô hình Aquaponics có rất nhiều lợi điểm và đây là mô hình nông nghiệp tương lai. Về hiệu quả kinh tế, mô hình này có 02 nguồn thu, từ thuỷ sản và rau, có thể trồng nhiều loại cây, nuôi được nhiều loại thuỷ sản khác nhau. Về yếu tố xã hội, mô hình tiết kiệm nước, bảo vệ môi trường vì không xả thải ra bên ngoài.

Với 1.500m2 đất, anh dành 700m2 để trồng các loại rau ăn lá, phần còn lại đặt bể nuôi cá chình, cá chạch lấu. Bình quân mỗi m2 trồng rau cho sản lượng từ 5 – 6kg. Tận dụng bên dưới những luống rau thuỷ canh, anh thả nuôi tôm càng xanh. Dự kiến cuối năm 2018, anh sẽ thu hoạch cá đầu tiên.

Rau sau khi thu hoạch được tiêu thụ tại một số bếp ăn của trường mầm non, tiểu học, các quầy rau an toàn, một số nhà hàng trên địa bàn huyện Lấp Vò, với giá bán từ 20.000 – 30.000 đồng/kg. Để sản phẩm của nông trại vươn xa hơn, Công ty Nông sản Đồng Tháp AQUA đang tiến hành các thủ tục để chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và tăng cường quảng bá sản phẩm.

Nông trại sạch kết hợp du lịch trải nghiệm

Biến ý tưởng “Nông trại sạch kết hợp du lịch trải nghiệm” thành hiện thực trên khu đất hơn 03 ha, tại ấp 5, xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh chính là anh Trương Đình Dứt, sinh năm 1977, ngụ thành phố Cao Lãnh.  Sau nhiều năm làm giáo viên chuyên ngành mỹ thuật, anh Dứt quyết định rẽ sang hướng đi mới, đó là làm nông nghiệp sạch, với nông trại mang tên Khả Quỳnh. Nông trại này thuộc Công ty sản xuất nông nghiệp Khả Quỳnh do anh Trương Đình Dứt làm Giám đốc.

Tại nông trại này, anh Dứt đầu tư nhà lưới để trồng các loại nông sản quen thuộc như: dưa leo, cà chua, khổ qua, rau ăn lá v.v., đồng thời áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel để mang lại hiệu quả tốt nhất cho cây trồng. Ngoài ra, anh còn trồng lúa Nàng hoa 9 theo hướng hữu cơ, kết hợp nuôi cá đồng, vịt, gà với định hướng không độc canh cây lúa và có nhiều nguồn thu trên cùng diện tích.

Anh Trương Đình Dứt cho biết, làm nông nghiệp hữu cơ phải thật sự có tâm và sự kiên nhẫn, bởi mô hình này chỉ sử dụng phân vi sinh nên cây trồng không phát triển nhanh chóng như sử dụng phân hoá học, thuốc bảo vệ thực vật khác mà cần có thời gian nhất định để vi sinh vật cải tạo đất tốt hơn. Khi đó, cây sinh trưởng mạnh, chất lượng sản phẩm và thời gian thu hoạch vượt trội hơn so với sản xuất thông thường. Với 200m2 nhà lưới trồng dưa leo vừa mới thu hoạch dứt điểm cho tổng sản lượng 600kg, thời gian thu hoạch kéo dài trong 01 tháng.

Theo chủ nông trại này, mô hình tuy không mới nhưng giá trị mang lại của nó chính là phát triển nền nông nghiệp bền vững. Bên cạnh cung cấp ra thị trường những nông sản sạch, Nông trại còn hướng đến tuyên truyền, giúp nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về sử dụng nông sản an toàn. Từ đó, thay đổi tư duy của bà con nông dân trong sản xuất nông nghiệp, đó là không phải lúc nào cũng sử dụng phân thuốc hoá học; đồng thời có thể tận dụng phế phẩm nông nghiệp để tái tạo thành sản phẩm phục vụ lại sản xuất nông nghiệp – đây cũng là cách anh đang thực hiện cho nông trại của mình.

"Ngày đầu cầm trên tay thành quả lao động, tôi cảm thấy rất phấn khởi nhưng càng vui hơn khi nhận được phản hồi tích cực từ người tiêu dùng đối với nông sản mình làm ra, đó chính là động lực để tôi tiếp tục làm nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Do mới thực hiện mô hình nên kinh nghiệm chưa nhiều, vì thế tôi chấp nhận thất bại những vụ đầu để làm bài học thành công cho những vụ tiếp theo" - anh Dứt chia sẻ.

Với mong muốn nhiều người tiếp cận được sản phẩm, anh Dứt đang xúc tiến đầu tư chuỗi cửa hàng nông sản sạch, xây dựng thương hiệu, logo, bao bì, đóng gói; thực hiện các thủ tục đăng ký chứng nhận GlobalGAP trong năm 2019.

Bên cạnh sản xuất, Nông trại sạch Khả Quỳnh còn thiết kế cảnh quan đẹp mắt để trở thành điểm dừng chân cho du khách tham quan, trải nghiệm, đặc biệt là truyền cảm hứng làm nông nghiệp sạch cho thế hệ trẻ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Ngày càng nhiều mô hình sản xuất sạch, hiện đại

Ông Nguyễn Văn Công – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, ý thức của người sản xuất nông sản hiện nay ngày càng được nâng lên, đặc biệt là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm; cùng với đó, xuất hiện ngày càng nhiều mô hình sản xuất sạch, hiện đại, hướng đến hữu cơ, điển hình như mô hình làm nông nghiệp của anh Nguyễn Tiến Thành và anh Trương Đình Dứt.

Bên cạnh hỗ trợ để thúc đẩy những mô hình này phát triển, ông Công cho biết, ngành Nông nghiệp còn quan tâm hướng dẫn người thực hiện mô hình kết nối đầu ra, xây dựng thương hiệu, định lượng các tiêu chuẩn, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. “Chúng tôi sẽ không để họ mù thông tin, không để họ lẻ loi, tự bươn chải trong hành trình làm nông nghiệp sạch và không để nông sản sạch làm ra bị cạnh tranh không lành mạnh” – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh.

Đối với mô hình Aquaponics ở xã Bình Thạnh Trung, huyện Lấp Vò, ông Công lưu ý người sản xuất phải cân đối giá thành hợp lý để tăng tính cạnh tranh không chỉ với rau thông thường mà còn để cạnh tranh với rau sạch ngoại nhập, quan tâm đến phân khúc thị trường lớn, thị trường cao cấp.

Ông cho rằng, với quy mô sản xuất lớn, Nông trại Khả Quỳnh cần quan tâm đến yếu tố về thị trường, thương hiệu, giá thành sản xuất. Khâu nào nông trại không tự mình làm được thì liên kết với doanh nghiệp. Về kết nối phát triển du lịch, ông Công cho đây là ý tưởng rất tốt nên cần đầu tư bài bản, từ việc tiếp nhận đoàn, thuyết minh, bán hàng quà tặng, thu phí dịch vụ và cả quần áo bảo hộ, cách ly khi vào khu sản xuất v.v..

Nguồn: https://www.dongthap.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 331

Máy chủ tìm kiếm : 46

Khách viếng thăm : 285


Hôm nayHôm nay : 52079

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1120563

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 60128886