Bằng sự nỗ lực, ông Thành đã xây dựng được cơ ngơi vững chắc, với mức thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Ong Nguyễn Thành Quyến, Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện Phụng Hiệp, cho biết: Khi Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị được triển khai, Hội đã chỉ đạo đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với những nhiệm vụ cụ thể nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, gắn bó trong cán bộ, nông dân… Trong đó, chú trọng xây dựng và nhân rộng những mô hình kinh tế hiệu quả để từng bước cải thiện đời sống của hội viên. Mỗi cơ sở hội phải xây dựng ít nhất 1 mô hình sản xuất hiệu quả, từ đó làm gương để hội viên nông dân tham quan, học hỏi kinh nghiệm.
Như trường hợp của ông Phạm Văn Thành, ở ấp 5, xã Hòa An. Cách đây 10 năm, với 5 công đất trũng phèn canh tác lúa không hiệu quả, nhưng phải lo cho 5 người con ăn học dẫn đến nhiều năm gia đình mấp mé rơi vào ngưỡng hộ nghèo. Không buông xuôi trước hoàn cảnh, ông tham gia vào Chi hội Làm vườn, Chi hội Nông dân ấp và được giới thiệu tham quan những mô hình làm ăn hiệu quả. Từ đó, ông cầm cố ruộng đất, vay mượn thêm tiền sắm chiếc máy suốt lúa cũ để lấy công kiếm thêm đồng lời từ công việc suốt lúa mướn. Thùng suốt của ông Thành không chỉ hoạt động trên những cánh đồng lúa ở Hậu Giang, mà ông còn sang các vùng như An Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng...
Không dừng lại ở đó, khi tỉnh Hậu Giang có chủ trương hỗ trợ cơ giới hóa trong sản xuất lúa, năm 2010, ông Thành mạnh dạn vay số vốn gần 600 triệu đồng mua 2 máy gặt đập liên hợp. Hơn 3 năm áp dụng cơ giới hóa, không chỉ trả được số nợ vay, ông còn mua thêm một máy gặt mới. Hiện với 3 máy gặt đập liên hợp cộng thêm canh tác lúa, mỗi năm gia đình ông Thành thu về lợi nhuận hơn 700 triệu đồng. Không chỉ vươn lên khá giàu, lo cho các con ăn học thành tài, mà ông còn tạo việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân từ 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng.
Ông Thành cho biết: “Sinh thời, Bác Hồ từng dạy “không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, dời núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên”, lời dạy đó luôn là động lực để bản thân tôi nỗ lực phấn đấu suốt thời gian qua. Hiện nay, khi kinh tế gia đình được cải thiện, lời dạy đó lại càng thấm thía hơn”. Hiện tại, ông Thành còn dự định mua thêm một máy gặt đập liên hợp nữa để vừa phát triển kinh tế gia đình, vừa giúp cho việc thu hoạch lúa của bà con nông dân không bị chậm trễ, vừa tạo việc làm cho lao động nông thôn.
Mô hình nuôi dê đã giúp gia đình ông Tôn Văn Thành, ở ấp Thạnh Mỹ A, xã Bình Thành cải thiện cuộc sống, vươn lên khá - giàu. Có được cuộc sống sung túc hôm nay, ít ai biết rằng lão nông này cũng đã học ở Bác rất nhiều. Theo ông Thành, hơn 3 năm trước, nhờ vay mượn anh em trong gia đình, ông đã mua 3 con dê rồi cho phối giống. Do biết cách chăm sóc nên đàn dê của ông Thành không ngừng phát triển và đến nay tổng đàn đã lên đến 20 con. Theo tính toán của ông Thành, một con dê cái có thể sinh sản 2-3 lứa/năm, mỗi lứa từ 2-3 con. Khoảng 10-12 tháng, dê sẽ cho xuất chuồng (con lớn đạt trên 30kg, con nhỏ cũng khoảng 15kg), với giá bán hiện nay từ 100.000-130.000 đồng/kg thì 20 con dê cái của gia đình hàng năm cho thu nhập từ 70-80 triệu đồng.
Ông Thành cho biết: Trước đây, qua báo đài cũng được nghe, đọc nhiều mẩu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh, bản thân học được ở Bác đức tính cần cù chịu khó, không đầu hàng trước số phận và nói phải đi đôi với làm. Chính vì thế, dù trước kia gia đình có nhiều khó khăn nhưng vẫn muốn tìm một công việc nào đó để làm, không để trở thành gánh nặng cho địa phương, xã hội. Khi được Hội Nông dân xã giới thiệu mô hình, gia đình đã chọn nuôi dê để phát triển kinh tế. Bởi dê là vật dễ nuôi, thức ăn chủ yếu từ cây cỏ tự nhiên có sẵn ở địa phương, chỉ đi cắt về và lấy công làm lời.
“Để việc học tập và làm theo Bác ngày càng có sức lan tỏa, ăn sâu vào nhận thức và hành động của người dân, thời gian tới, chúng tôi sẽ đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, đưa nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào nội dung các buổi sinh hoạt bằng nhiều hình thức như: Kể những câu chuyện tấm gương trong đạo đức, lối sống mà trọng tâm là tính cần, kiệm để cán bộ, hội viên nông dân học tập. Đồng thời, nêu các gương điển hình trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để động viên các tập thể, cá nhân. Qua đó để mọi người noi theo, nhân rộng cách làm hay”, ông Nguyễn Thành Quyến cho biết thêm.
Từ khi triển khai Cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở huyện Phụng Hiệp không ngừng gia tăng từng năm. Riêng năm 2016, toàn huyện có hơn 1.100 mô hình có thu nhập từ 100-500 triệu đồng/năm và hơn 160 mô hình trên 500 triệu đồng/năm. Hơn 13.700 hộ gia đình được công nhận nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, 206 nông dân vươn lên thoát nghèo. |
Thanh Duy/Hậu Giang/kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn