Trước dự báo, hạn hán và thiếu nước tưới nghiêm trọng sẽ xảy ra trong vụ sản xuất hè thu 2015 này, tỉnh Quảng Trị chủ động chuyển đổi hơn 2.500 ha đất lúa sang trồng cây đậu xanh, ngô, rau màu... Theo đó, nông dân chuyển đổi diện tích được hỗ trợ tiền mua giống. Thế nhưng, bà con nông dân băn khoăn, lo ngại đầu ra sản phẩm khi thu hoạch sản phẩm.
Vụ hè thu này, huyện Gio Linh là địa phương có diện tích trồng lúa chuyển
sang cây màu lớn nhất tỉnh Quảng Trị với hơn 1.500 ha. Vụ sản xuất đã bắt đầu nhưng bà con nông dân nhiều nơi vẫn lúng túng, chưa biết lựa chọn cây trồng nào mang lại hiệu quả.
Chuyển đất trồng lúa sang trồng đậu xanh cho thu nhập cao ở xã An Thạch (huyện Tuy An) - Ảnh: L.Trâm/Báo Phú Yên |
Ông Trần Ngọc Khôi, ở thôn Vinh Quang Thượng, xã Gio Quang, huyện Gio Linh than thở: “Xã tổ chức họp dân, thông báo hồ thủy lợi không đủ nước tưới, rồi vận động bà con chuyển đất ruộng sang trồng ngô, đậu xanh, nhưng ai cũng băn khoăn.”
Gia đình ông Khôi làm 5 mẫu ruộng, nếu chuyển hết diện tích này sang trồng đậu xanh hoặc ngô thì không đủ sức làm. Trồng cây đậu xanh tốn công và chi phí gấp nhiều lần so với trồng lúa nhưng tính rủi ro cao. Điều ông lo ngại là nếu ai cũng tập trung trồng đậu xanh, đến mùa thu hoạch rất khó tiêu thụ.
Thời điểm này mọi năm, bà con nông dân ở tỉnh Quảng Trị đã làm đất, chuẩn bị gieo sạ vụ hè thu, vậy mà năm nay nhiều nơi ruộng vẫn để hoang.
Ông Nguyễn Ngọc Sáng, Phó Chủ tịch UBND xã Gio Quang, huyện Gio Linh cho biết, vì thiếu nước nên hơn một nửa diện tích đất trồng lúa của xã phải chuyển sang trồng cây đậu, hoặc ngô trong vụ hè thu này. Chính quyền xã tổ chức họp dân, phổ biến chủ trương, vận động bà con chuyển đổi để được hỗ trợ giá giống, nhưng rất ít người đăng ký. Khó khăn của địa phương là sau khi dồn điền đổi thửa, nhiều gia đình có đến vài ba héc ta ruộng, lại tập trung tại một vùng. Nếu chuyển hết diện tích này sang trồng màu thì bà con không thể làm nổi.
Theo ông Sáng, huyện Gio Linh trước đây một vài địa phương lân cận đã xảy ra tình trạng doanh nghiệp vận động dân trồng ngô lai và cam kết thu mua. Nhưng đến mùa thu hoạch, doanh nghiệp bỏ rơi nông dân.
Đến nay, tỉnh Quảng Trị quyết định phân bổ ngân sách hơn 3 tỷ đồng hỗ trợ nông dân tiền mua giống để chuyển diện tích trồng lúa thiếu nước tưới sang trồng ngô và đậu xanh. Theo đó, hỗ trợ 80% tiền mua hạt giống đậu xanh đối với nông dân vùng đồng bằng và 100% đối với vùng miền núi, đồng thời hỗ trợ 100% ngô giống cho nông dân cả đồng bằng và miền núi.
Về vấn đề thu mua, bao tiêu sản phẩm cho cây đậu, ngô chuyển đổi, ông Nguyễn Văn Bài, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Trị khẳng định, tỉnh đã có phương án hỗ trợ nông dân.
Chuyện người nông dân bị ép giá, khó khăn tiêu thụ nông sản khi vào vụ mới đã từng xảy ra tại nhiều nơi, vì thế hỗ trợ nông dân không thể là lời nói suông. Để bà con yên tâm chuyển đổi cây trồng tránh hạn, đòi hỏi chính quyền và cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị phải có giải pháp đồng bộ, sự đồng hành từ phía doanh nghiệp trong việc cam kết giá thu mua nông sản./.