Với mong muốn mang đến những hệ thống nông nghiệp hiệu quả và bền vững vì lợi ích của các nước đang phát triển, Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Australia (ACIAR) đã thực hiện hàng loạt dự án nông nghiệp trong suốt 25 năm qua tại Việt Nam, biến những vùng đất cằn cỗi đơm hoa, những người nông dân lạc hậu thành những người chủ nắm giữ chìa khóa khoa học công nghệ tiên tiến trong nông nghiệp.
Những người dũng cảm
Có thể nói đóng vai trò chủ thể trong các dự án của ACIAR triển khai tại Việt Nam trải dài từ Bắc đến Nam trong 25 năm qua chính là những người nông dân. Họ có thể là người dân tộc thiểu số, là phụ nữ, người nuôi hàu, người nuôi bò… Nhưng dù là nông dân trong lĩnh vực nào thì họ đều có chung một xuất phát điểm. Họ đều đến từ những vùng còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển nông nghiệp, đặc biệt là việc đưa khoa học công nghệ vào sản xuất. Những dự án của ACIAR đã mang đến cho họ những hướng đi mới trong công việc mà họ đã làm bao lâu nay.
Chị Nguyễn Thị Thanh An, Trưởng đại diện ACIAR tại Việt Nam (bên phải) tham quan mô hình do ACIAR tài trợ. |
Nói về những khó khăn, thách thức khi triển khai dự án có hàm lượng khoa học cao, chị Nguyễn Thị Thanh An, Trưởng đại diện ACIAR tại Việt Nam cho rằng, muốn nông dân tin và thay đổi phương thức canh tác, đòi hỏi các nhà khoa học phải chứng minh được những tiến bộ về khoa học và công nghệ khi áp dụng trong nông nghiệp. Chị Thanh An tỏ ra khâm phục với những thay đổi trong lối nghĩ, tư duy của nông dân ở những vùng khó khăn khi được khoa học khai sáng. “Những người nông dân tham gia nghiên cứu là những người dũng cảm, tiên phong, dám đi cùng với nhà khoa học”, chị Thanh An nhấn mạnh.
Dự án về rau sạch của ACIAR mang lại lợi nhuận cho nông dân và niềm vui của người tiêu thụ. |
Gương mặt đậm chất Tây Bắc, chị Vàng Thị Hường, thôn Na Kèo, xã Tả Chải, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai tươi cười trò chuyện với chúng tôi. Chia sẻ về quá trình tham gia dự án trồng rau sạch do ACIAR tài trợ, chị Hường thành thật: Ban đầu chúng tôi cũng hoang mang lắm. Không biết dự án này có gì tốt, có gì hay, chẳng biết dự án có mang lại hiệu quả hay không? Gạt đi những hoang mang ban đầu ấy, chị Hường mạnh dạn: “Tôi tự nhủ lòng, cứ thử tham gia dự án xem sao, biết đâu sẽ tốt cho mình, cho gia đình, cho làng bản”. Và quả thực, sự dũng cảm của chị Vàng Thị Hường đã được đền đáp xứng đáng khi giờ đây với diện tích canh tác rau gần 3.000m2 mỗi năm chị Hường thu về hơn 40 triệu đồng từ việc bán rau sạch. Trong thôn của chị từ khi dự án vào thì đã có hơn một nửa các hộ dân tham gia dự án và hài lòng với những kết quả mà dự án mang lại.
Cùng chung suy nghĩ như chị Vàng Thị Hường, chị Lèo Thị Xuấn, dân tộc Thái, tại xã Chiềng Chăn, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La cho biết, từ những hồ nghi ban đầu, người nông dân đã hoàn toàn bị thuyết phục khi được các nhà khoa học hướng dẫn canh tác theo phương thức mới. “Từ khi có dự án, được các nhà khoa học hướng dẫn cách trồng sắn làm sao cho sản lượng cao, chống xói mòn, gia đình tôi đã có thêm thu nhập, việc canh tác lại đỡ vất vả hơn trước đây, gia đình tôi đang chuẩn bị mua thêm xe cải tiến để phục vụ công việc, đúng là phải tin tưởng vào nhà khoa học”, chị Lèo Thị Xuấn chia sẻ.
Bộ đôi hoàn hảo
Không phải ngẫu nhiên mà các dự án của ACIAR triển khai tại các vùng khó khăn lại đạt được kết quả cao. Đó là sự dũng cảm dám thử thách với cái mới của người nông dân và quan trọng không kém nữa đó là sự đồng hành của các nhà khoa học Việt Nam và Australia, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ Việt Nam. Những người đã không ngại dấn thân, sẵn sàng “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với nông dân.
Gian hàng trưng bày các sản phẩm từ dự án do ACIAR tài trợ. |
Anh Hoàng Xuân Thảo, cán bộ nghiên cứu trực tiếp tham gia Dự án Hỗ trợ cải thiện các hệ thống canh tác có ngô cho Việt Nam-Lào, một dự án của ACIAR chia sẻ, trong quá trình hướng dẫn bà con tham gia dự án, các nhà khoa học thường vấp phải nhiều khó khăn, đặc biệt là việc làm sao để thay đổi nhận thức của người nông dân. Với những địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, các nhà khoa học đứng trước vô vàn thách thức khi đa số nông dân là người bản địa, giao tiếp chủ yếu bằng tiếng bản địa, việc truyền tải các thuật ngữ chuyên môn trong nông nghiệp không hề đơn giản. “Chính vì thế, chúng tôi-những nhà khoa học thường ở lại cùng với nông dân để hiểu họ hơn, hiểu tại sao họ lại có những phương thức canh tác khác, mà đôi khi những điều đó lại thực sự phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở đó. Khi đã có sự đồng điệu, chúng tôi và nông dân trở thành một bộ đôi hoàn hảo, hỗ trợ nhau phát triển dự án”, anh Hoàng Xuân Thảo chia sẻ.
Cùng chung suy nghĩ này, anh Vũ Văn In, Giám đốc Dự án về nâng cao sản lượng hàu ở Việt Nam và Australia, một dự án của ACIAR bắt đầu từ năm 2014 đến nay cho biết: Sự thành công của dự án về con hàu là mô hình cho thấy sự kết hợp hoàn hảo giữa hoạt động của những người làm khoa học và nông dân. Giữa hai chủ thể này có một sự tương tác đặc biệt. Trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao bền vững, nhà khoa học là người tiên phong trong khâu chọn giống, chọn đối tượng giúp nông dân, đồng hành cùng nông dân trong cung cấp kỹ thuật nuôi trồng. Người nông dân phát triển kỹ thuật, mở rộng canh tác và đôi khi, họ còn sáng tạo ra những cách làm mới, tốt hơn nhà khoa học. Không dừng ở thành công đó, nhà khoa học vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng khi đồng hành với nông dân để tìm tòi những chất lượng giống mới, phòng chống dịch bệnh…
Quả thực, không cần phải lắng nghe nhiều chia sẻ, chỉ cần nhìn vào những kết quả mà 170 dự án của ACIAR đã đạt trong suốt thời gian qua cũng đủ minh chứng, nhà khoa học và người nông dân thực sự là một bộ đôi hoàn hảo để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bền vững.
Hy vọng rằng, với việc chính thức hóa chiến lược về nghiên cứu nông nghiệp tại Việt Nam bằng việc ký kết Ý định thư với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, và Biên bản ghi nhớ với Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, ACIAR sẽ tiếp tục tăng cơ hội cho người nghèo ở nông thôn và thành thị thông qua các hệ thống kinh tế nông nghiệp.
Theo Thu Thủy - Thu Hà/Báo QĐND.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn