Năng động trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nhiều nông dân xã Hồng Giang (Lục Ngạn - Bắc Giang) đã trở thành tỷ phú nhờ trồng cam đường Canh.
Làm giàu nhờ sáng tạo
Khởi nghiệp từ năm 2009 với mô hình kinh tế VAC, đến nay, anh Nguyễn Văn Luật, xóm Tây Cát, xã Hải Đông (Hải Hậu - Nam Định) đã trở thành tỷ phú. Được biết, trên cơ sở điều kiện đất đai sẵn có, anh Luật quy hoạch xây dựng gia trại, mỗi lứa nuôi 3.000-4.000 con gà thịt, 30-50 con lợn thương phẩm và 3 ao cá điêu hồng. Cuối năm 2011 đầu năm 2012, xã có chủ trương dồn điền đồi thửa, anh mạnh dạn thuê lại 4 mẫu (1 mẫu Bắc Bộ = 3.600m2) ruộng của một số gia đình cùng 1 mẫu đấu thầu của xã và đầu tư 1,4 tỷ đồng đào 4 ao, làm đường điện, xây 1 trại nuôi gà khép kín.
Năm 2013, để tiếp tục nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích đất, anh Luật tiếp tục đầu tư, mở rộng xây tiếp 1 trại gà khép kín với quy mô 6.000 con, nâng tổng đàn gà lên 14.000 con; tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng đàn lợn lên trên 300 con và 3 ao cá diêu hồng. Năm 2014, anh mở rộng và xây mới 1 trại lợn khép kín 500 con, nâng tổng đàn lợn lên 700 con; năm 2015, tiếp tục đầu tư xây thêm 1 trại gà 6.000 con, nâng tổng đàn gà lên 2 vạn con, đàn lợn 700 con và 3 ao thả cá diêu hồng, từ đó duy trì việc làm ổn định cho 20 lao động với mức lương lương 3,8-5 triệu đồng/người/tháng. Tổng doanh thu trong năm đạt 2,72 tỷ đồng; sau khi trừ chi phí, lợi nhuận đạt 1,4 tỷ đồng.
Năm 2016, mô hình trang trại tổng hợp mang lại cho anh Luật 2,74 tỷ đồng doanh thu, trừ chi phí còn lãi 1,6 tỷ đồng.
Với mô hình nuôi tôm công nghiệp và kinh doanh thức ăn thủy sản, anh Dương Hà ở phường 5, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu đã ghi tên mình vào danh sách những tỷ phú nông dân.
Nuôi tôm có thể coi là “nghề truyền thống” của nông dân Bạc Liêu, gia đình anh Hà cũng không ngoại lệ. Phát huy hết diện tích đất sản xuất của gia đình là 14ha, anh Hà sản xuất 2 vụ/năm, tập trung cho mô hình nuôi tôm công nghiệp. Theo anh Hà, đây là mô hình đòi hỏi vốn đầu tư cao, kỹ thuật nghiêm ngặt, khâu quản lý, chăm sóc phải thật chặt chẽ. Đặc biệt, trong điều kiện thời tiết như hiện nay thì việc thực hiện đúng lịch thời vụ, đúng quy trình sản xuất cùng với kinh nghiệm từ thực tiễn là không thể thiếu.
Nhờ áp dụng đúng các quy trình kỹ thuật nên năng suất tôm nuôi của trang trại luôn ổn định, sản lượng đạt 40 tấn, với giá bán 150.000 đồng/kg, tổng thu đạt 6 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi trên 1 tỷ đồng.
Ngoài ra, anh Hà còn kinh doanh thức ăn và thuốc thú y thủy sản, mang lại lợi nhuận 3,5 tỷ đồng/năm.
Từ hiệu quả của mô hình sản xuất và kinh doanh, trong 5 năm qua, kinh tế gia đình anh Hà đã được cải thiện, anh có điều kiện tham gia thực hiện các phong trào tại địa phương như: Giúp đỡ 20 triệu đồng/năm cho hộ nghèo, hỗ trợ chính quyền địa phương trong việc múc kênh thủy lợi nội đồng và hỗ trợ kinh phí 10 triệu đồng/năm cho phong trào thể dục, thể thao của địa phương, tham gia phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng gia đình văn hóa và vận động bà con ở địa phương thực hiện tốt nếp sống văn hóa khu dân cư.
Ngoài 4 lao động chính trong gia đình, anh Hà luôn giúp đỡ và tạo việc làm ổn định cho 6 lao động, thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho nhiều hộ nông dân xung quanh, giúp họ vươn lên thoát nghèo, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Anh Ngô Đức Thắng, thôn Cốc Khê, xã Phạm Ngũ Lão (Kim Động - Hưng Yên) cũng là một tấm gương nông dân khởi nghiệp thành công.
Sau khi rời ghế nhà trường, năm 1995, anh Thắng xây dựng gia đình. Năm 2002 sau khi tìm hiểu và học tập kinh nghiệm của một số hộ ở một số nơi, anh bàn bạc với gia đình dồn toàn bộ diện tích đất canh tác vào khu cánh đồng trũng nhất của làng Cốc Khê; đồng thời vay mượn tiền mua thêm một số diện tích của một số hộ gia đình cấy lúa không hiệu quả. Sau khi có đất, anh làm đơn đề nghị cấp có thẩm quyền phê duyệt cho phép được chuyển đổi cây trồng, đào ao thả cá và xây dựng trang trại với tổng diện tích 6.840m2, trong đó 2.280m2 xây dựng chuồng trại chăn nuôi vịt đẻ và ấp nở con giống. Diện tích còn lại anh đào ao thả cá, trồng các loại cây ăn quả và nuôi 2.000 con vịt đẻ.
Đến năm 2007, vợ chồng anh Thắng làm ăn có lãi, bước đầu đã xây dựng uy tín, có địa điểm mua bán, anh lại mở rộng quy mô sản xuất, thuê thêm 3 mẫu ruộng, nuôi thêm 3.000 con vịt đẻ, đầu tư 10 máy ấp trứng. Cứ như vậy, đến nay, tổng diện tích chuyển đổi của gia đình anh là 7,4ha, với 7.000 con vịt đẻ, ao thả cá rộng 5 mẫu và 12 mẫu đất trồng cây ăn quả như: bưởi Diễn, cam Vinh, na, mít,… Năm 2016, tổng thu nhập của gia đình anh đạt 5 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 15 lao động với thu nhập trung bình từ 4-5 triệu đồng/người/tháng, có lao động thu nhập tới 10-12 triệu đồng/tháng.
5G với khởi nghiệp thời kỳ mới
Trên đây chỉ là 3 trong số hàng triệu nông dân có nhiều sáng tạo trong quá trình khởi nghiệp và thành công. Đến nay, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững là 1 trong 3 phong trào trụ cột của Hội Nông dân Việt Nam. Phong trào không chỉ tạo điều kiện và khích lệ mỗi người nông dân quyết tâm tự vươn lên giảm nghèo và làm giàu chính đáng cho gia đình mà còn thể hiện sự đoàn kết tương thân, tương ái…
Theo ông Nguyễn Văn Chính, Trưởng ban Kinh tế (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam), bình quân hàng năm có hơn 6,2 triệu hộ nông dân đăng ký danh hiệu SXKD giỏi, chiếm hơn 55,3% tổng số hộ nông dân cả nước. Trong đó, năm 2016, tổng số hộ đạt danh hiệu hộ SXKD giỏi các cấp là 3,55 triệu hộ, chiếm 57,2% số hộ đăng ký.
So với giai đoạn 2007 - 2012, số hộ có mức thu nhập trên 1 tỷ đồng tăng gấp 5 lần. Hộ SXKD giỏi các cấp đã tạo việc làm tại chỗ cho hơn 11 triệu lao động.
Theo anh Ngô Đức Thắng, điều nông dân cần không chỉ là vốn, đất đai đủ lớn để sản xuất mà còn là cơ chế chính sách thông thoáng. Anh Thắng đề nghị 5 giải pháp giúp nông dân khởi nghiệp: Một là, các cấp chính quyền tạo điều kiện cho vay số vốn lớn theo hình thức tín chấp. Có các chính sách hỗ trợ và mức hỗ trợ cao hơn để thực sự là động lực cho nông dân trong sản xuất nông nghiệp.
Hai là, Nhà nước có các giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với hệ thống chính sách về đất đai, chính sách tín dụng nông nghiệp. Hội Nông dân cần vận động hội viên nông dân liên kết nhau thông qua mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã với hình thức: xây dựng dự án, tập trung hỗ trợ vốn, hình thành các chuỗi nông sản an toàn, liên kết từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm.
Ba là, cần gắn trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đặc biệt là vai trò người đứng đầu, nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân trong phát triển kinh tế tập thể, thực hiện tốt phong trào nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi tạo môi trường để nông dân hợp tác, liên kết với nhau, tăng quy mô sản xuất, tăng vị thế đàm phán, nâng cao khả năng cạnh tranh.
Bốn là, tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư thương mại cho các sản phẩm nông nghiệp; cấp kinh phí cho Hội Nông dân tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại do các tỉnh tổ chức; cấp kinh phí cho Hội để đưa nông dân đi nghiên cứu, học tập các mô hình hay, kinh nghiệm tốt về áp dụng tại địa phương;
Năm là, tăng cường kinh phí bổ sung cho Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp để Hội Nông dân hỗ trợ hội viên nông dân xây dựng các mô hình kinh tế có hiệu quả cao, nguồn lực đầu tư lớn, từ đó tạo ra những nhóm sản xuất, tạo tiền đề cho việc thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã; tạo điều kiện để Hội Nông dân cùng tham gia thực hiện các chương trình, đề án phát triển nông nghiệp.
Theo ông Lại Xuân Môn, trong nhiều giai đoạn, nông nghiệp luôn thể hiện vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, hỗ trợ công nghiệp, dịch vụ phát triển. Nông dân đã góp phần làm nên lịch sử, từ chỗ đói ăn đến dư thừa phục vụ xuất khẩu, đến nay đã có 10 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Đó chính là thành quả của quá trình khởi nghiệp mà nông dân là chủ thể.
“Nhưng trong giai đoạn mới, quá trình khởi nghiệp của nông dân phải khác, tư duy của bà con phải thay đổi, từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn, từ nhỏ lẻ lên liên kết, từ công nghệ bình thường sang công nghệ cao, từ coi trọng năng suất sang coi trọng chất lượng. Có như thế nông nghiệp mới cất cánh, nông dân mới giàu có”, ông Môn nói.
Cũng theo ông Môn, nông nghiệp thời hội nhập đang có những thời cơ, thuận lợi và thách thức, trong đó thách thức nhiều hơn thuận lợi..., đó là thiên tai, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, biến động của thị trường… Lực lượng nông dân chiếm hơn 70% dân số thì phải cổ vũ nông dân khởi nghiệp làm giàu.
Theo đó, tại Hội nghị Đại biểu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi lần thứ V và Hội nghị “Tọa đàm các giải pháp giúp nông dân khởi nghiệp” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức trong 2 ngày 18 - 19/9/2017 có thế tổng quát bằng 5 chữ G. Đó là: Sản xuất giỏi - Kinh doanh giỏi - Làm giàu - Giảm nghèo và Giá trị gia tăng cao. Nông dân là chủ thể trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới cần hướng tới 5G đó.
Theo Khánh Nguyên/báo KTNT.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn