Bỏ tiền ra nước ngoài học hỏi kỹ thuật, phương pháp trồng rau công nghệ cao rồi về đầu tư sản xuất đã giúp nông dân Nguyễn Hồng Phong (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) trở thành tỉ phú với doanh thu hàng trăm tỉ đồng mỗi năm.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình nông dân nghèo ở vùng rau Đơn Dương nên từ nhỏ Nguyễn Hồng Phong (49 tuổi, thị trấn Liên Nghĩa) đã quen với ruộng đồng. Học xong phổ thông, ông theo gia đình đi kinh tế mới đến xã Phú Hội (huyện Đức Trọng). Năm 1990, ông lập gia đình, ra riêng và trồng rau xen trong vườn cà phê 4.000 m2 để lấy ngắn nuôi dài. Công việc thuận lợi, 10 năm sau, ông có trong tay 1 ha vườn ươm, 2 ha trồng rau, 3 ha cà phê và một đàn bò thịt. Đến năm 2005, diện tích sản xuất rau của ông tăng lên 16 ha cùng 3 ha vườn ươm. Tuy nhiên, khó khăn lại ập xuống bởi đầu ra không có. Ông tìm hiểu thị trường và nhận ra rằng phải sản xuất rau sạch mới vào được các siêu thị, xuất khẩu. Mà muốn làm vậy, phải đi nước ngoài học hỏi.
Năm 2006, trong một lần dự hội thảo về nông nghiệp có đại diện nước Úc tham dự, ông đề nghị và được phía Úc tạo điều kiện pháp lý, còn ông tự bỏ tiền sang nước này tham quan, học hỏi. “Suốt 1 tháng học hỏi những vấn đề liên quan đến trồng rau bên Úc, mình thấy được tại sao ta có nhiều nông sản xuất khẩu nhưng nông dân vẫn nghèo. Vấn đề không phải là sản lượng mà chính là chất lượng sản phẩm, mẫu mã chưa đạt yêu cầu nên không thể vào được thị trường khó tính, không thể nâng cao giá trị sản phẩm”, ông Phong nhớ lại.
Trở về, ông xác định 3 giải pháp để tháo “điểm nghẽn”, mà đầu tiên là tổ chức sản xuất rau an toàn theo hướng ứng dụng công nghệ cao để nâng giá trị sản phẩm. Tiếp đến phải hợp tác, liên kết để đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao sản lượng. Cuối cùng là tổ chức theo kiểu khép kín, liên kết chuỗi để tránh các khâu trung gian, hạn chế chi phí, hao hụt và chia sẻ quyền lợi. Bám giải pháp này, ông đầu tư 3 ha nhà kính, 5 ha nhà lưới trồng các loại rau và chuyển biến thấy rõ: rau của ông vào được các siêu thị ở TP.HCM với khoảng 200 tấn/năm.
Một năm sau, ông lại sang Canada 1 tháng, rồi Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia và các nước châu Âu học hỏi kỹ thuật canh tác công nghệ cao, học cách sơ chế, đóng gói, bảo quản sau thu hoạch… Cứ thế, mỗi năm, ông xuất ngoại 1 - 2 lần để học làm nông. “Đi học vậy mình mới thấy nhiều cái hay, đúc rút được kinh nghiệm. Qua họ, mình thấy việc xử lý sau thu hoạch rất quan trọng, còn ở Việt Nam khâu này rất yếu, hầu hết mới dừng lại ở việc phân loại rồi bán thô. Muốn nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển thương hiệu phải đẩy mạnh việc xử lý sau thu hoạch, nên mình đầu tư ngay trung tâm xử lý sau thu hoạch”, ông Phong tâm sự.
Để thuận tiện trong xúc tiến thương mại và có pháp nhân giao dịch, đầu năm 2013 ông thành lập Công ty TNHH sản xuất thương mại nông sản Phong Thúy tại thị trấn Liên Nghĩa. Cũng trong năm này, ông ký được hợp đồng xuất khẩu rau đi Malaysia, sau đó là Nhật, Đức và nhiều nước ASEAN. Đến nay, ông có 4 ha vườn ươm, 45 ha đất trồng rau được đầu tư bài bản cùng 6 xe đông lạnh, 6 xe tải và hệ thống máy móc, nhà xưởng với tổng đầu tư hơn 60 tỉ đồng (chưa tính tiền đất). Ngoài ra, ông còn liên kết với 30 hộ nông dân trong vùng canh tác 70 ha đất và tất cả được áp theo tiêu chuẩn VietGAP.
Ông Phong cho biết việc liên kết này được thực hiện rất chặt chẽ, các hộ tổ chức sản xuất theo kế hoạch và quy trình kỹ thuật của công ty, công ty sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Bên cạnh đó, họ còn được ông tổ chức luân phiên xuất ngoại học trồng rau, đồng thời hằng năm ông thuê chuyên gia Hà Lan, Nhật Bản về tập huấn những vấn đề liên quan đến sản xuất rau. “Cách làm này mang lại hiệu quả cao, năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng lên rõ rệt. Năm 2016, sản lượng toàn công ty đạt trên 12.000 tấn rau các loại (trong đó 70% vào siêu thị, 10% xuất khẩu, 20% thị trường tự do). Doanh thu của công ty đạt 120 tỉ đồng/năm, giải quyết việc làm cho 300 lao động tại địa phương. Toàn bộ sản phẩm rau đều được kiểm định, đảm bảo an toàn, người tiêu dùng có thể truy nguồn gốc từng sản phẩm”, ông Nguyễn Hồng Phong tự hào cho biết.
Theo Gia Bình/ Thanh niên