Khánh Duy chia sẻ: “Học đại học với chuyên ngành kế toán. Sau khi ra trường với khát khao, ý chí, quyết tâm làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương của mình, Duy trăn trở suy nghĩ phải làm gì để phát triển kinh tế mang lại hiệu quả cao. Sau khi tìm tòi, học hỏi trên mạng và đi tham quan thực tế từ một số mô hình phát triển kinh tế trong tỉnh và ngoài tỉnh, anh nhận thấy nuôi thỏ thương phẩm New Zealan có khả năng làm giàu, phù hợp với khí hậu địa phương và ít dịch bệnh”.
Bắt đầu khởi nghiệp với diện tích đất của gia đình là 300 m2, từ nguồn vốn 100 triệu đồng vay ngân hàng, anh tiến hành cải tạo chuồng trại theo quy trình đảm bảo vệ sinh môi trường, từ cải tiến chuồng trại, xử lý mùi và tận dụng phân thỏ.
Năm 2014, anh tiến hành nuôi thử nghiệm 30 cặp thỏ giống. Ban đầu với số vốn, kinh nghiệm còn ít, khó khăn nhất là khâu kỹ thuật nuôi và chăm sóc thỏ, thiệt hại nhiều, nhưng anh không nản lòng mà tiếp tục nuôi. Với kinh nghiệm học hỏi từ thực tế, sách vở và tìm hiểu trên mạng cùng với sự cố gắng quyết tâm nên việc chăn nuôi thỏ của anh ngày càng thuận lợi hơn và sau gần 3 năm số thỏ trong trang trại của anh đã lên tới 600 con; hàng tháng cung cấp từ 180 đến 200 con thỏ cho công ty TNHH NIPPONZOKI Việt Nam, cho thu nhập từ 30 đến 32 triệu đồng/ tháng.
Ngoài phát triển kinh tế, anh còn hỗ trợ, tạo điều kiện cho bà con nông dân trong xã và vùng lân cận phát triển mô hình nuôi thỏ New Zealan với hình thức cung cấp giống; hướng dẫn kỹ thuật và thức ăn cho hội viên nông dân nuôi, đặc biệt là bao tiêu luôn sản phẩm cho hội viên nông dân. Chính vì thế mà thỏ thương phẩm New Zealan đang được nhân rộng và phát triển tại địa phương.
Ông Quách Mạnh Thắng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Gia Tường cho biết: “Mô hình nuôi thỏ thương phẩm New Zealan của nông dân trẻ Khánh Duy đã thực sự đem lại hiệu quả kinh tế cao, có uy tín trên thị trường. Đây cũng là mô hình kinh tế cần được quan tâm, học hỏi và nhân rộng trên địa bàn tỉnh”.
Nguồn: nguoichannuoi.com
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn