Lâm Đồng được Bộ Nông nghiệp và PTNT đánh giá là địa phương dẫn đầu cả nước về thực hiện hiệu quả chương trình tái canh càphê, nhất là việc phát huy tính chủ động của nông dân trong việc xây dựng các mô hình điểm.
Một vườn càphê tái canh trồng mới giống ghép đang lên xanh tốt ở xã Lộc Đức, Bảo Lâm.
Xã Lộc Đức (huyện Bảo Lâm) hiện có khá nhiều mô hình tái canh càphê do nông dân tự xây dựng với quy mô lớn, đã được ngành nông nghiệp chọn làm mẫu để nhân rộng trong tỉnh Lâm Đồng.
Điển hình như mô hình 10ha càphê ghép năng suất cao của hộ gia đình ông Lê Quang Linh, được lãnh đạo các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương thường xuyên quan tâm động viên, tạo mọi điều kiện phát triển. Hạ tuần tháng 10/2014, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh đã đến và khen ngợi, đây là kinh nghiệm thực tiễn vô cùng quý báu để ngành nông nghiệp tổng kết, hoàn chỉnh quy trình kỹ thuật chuyển giao cho nông dân.
Từ cánh đồng 10ha càphê trồng thuần quá lâu năm, nhờ sự cần mẫn, sáng tạo, ông Linh đã ghép cải tạo, nâng năng suất càphê nhân từ 3,5 - 4 tấn/ha lên 7 - 7,5 tấn/ha. Kể chuyện với khách tham quan về việc ghép cải tạo càphê cho năng suất cao, ông Linh khiêm tốn: "Bây giờ ở Lộc Đức, gia đình nào cũng có thể ghép cải tạo càphê đạt năng suất cao. Thành công của nhà nông chúng tôi bắt đầu từ tinh thần chịu khó học hỏi lẫn nhau trên từng khu vườn càphê".
Gắn bó với vùng đất Lộc Đức từ năm 1988, nhà nông Lê Quang Linh luôn trăn trở tìm kiếm mọi giải pháp kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng càphê, một loại cây trồng chính đối với nhiều gia đình nơi đây. Từ năm 2008 trở về trước, năng suất trung bình của những diện tích càphê trên dưới 20 năm tuổi ở Lộc Đức chỉ đạt khoảng 2- 3 tấn nhân/ha thì nhờ tích cực thâm canh, ông Linh đạt đến 4 - 4,5 tấn nhân/ha. Giai đoạn từ năm 2008 về sau, phong trào ghép chồi giống mới trên gốc càphê cũ được ngành nông nghiệp huyện Bảo Lâm hướng dẫn, triển khai trên địa bàn, hộ ông Linh là một trong những gia đình hưởng ứng tích cực. Trên 10ha càphê, ông quyết định ghép mới đồng loạt và đã hoàn thành trong 2 năm 2008 và 2009. Cứ một gốc cây cũ ông ghép lên 3- 5 chồi mới, mỗi ngày, gia đình ông gồm 4 công lao động ghép xong 1.200 - 1.500 chồi. Đi vào chăm sóc năm đầu tiên, ông chặt bỏ 1/3 số cành cũ trên cây cho chồi mới phát triển. Năm thứ hai, tiếp tục chặt bỏ 2/3 số cành cũ còn lại (mỗi lần cách nhau 6 tháng), tập trung "không gian" riêng biệt cho tất cả số chồi mới vươn cành, tỏa nhánh. Nhờ đó, nguồn thu nhập trên cây càphê của hộ ông Linh không bị gián đoạn. Trong 2 năm đầu nuôi chồi mới, số cành cũ còn lại vẫn thu được 2- 3 tấn nhân/ha/năm; năm thứ ba, toàn bộ chồi càphê ghép đã "trưởng thành" khép tán, cao từ 3,5- 4m, thu bói đạt 5,5- 6 tấn nhân/ha. Con số này tăng lên 7 tấn nhân/ha trong vụ mùa 2013- 2014, dự kiến tăng lên 7,5- 8 tấn nhân/ha ở vụ mùa 2014- 2015. Với mức giá càphê như hiện nay là 40.000 đồng/kg, số lãi thu về trên diện tích càphê ghép cải tạo của ông Linh khoảng 200 triệu đồng/ha/năm.
Ở xã Lộc Đức, nông dân không chỉ ghép cải tạo vườn càphê cũ mà còn có cả càphê ghép trồng mới, điển hình là khu vườn 1ha đang đậu trái bói của ông Nguyễn Xuân Hạ, Trưởng thôn Tiền Yên. Trước khi đào hố trồng ra vườn đồi vào tháng 5/2013, ông Hạ đã nuôi cây giống càphê ghép cao sản trong vườn ươm bằng các phương pháp kỹ thuật mới trong thời gian 2 năm. Tính đến cuối tháng 10/2014, trên 1ha càphê ghép trồng mới trên đất càphê già cỗi đã phá bỏ hoàn toàn, ông Hạ đầu tư khoảng 100 triệu đồng và chắc chắn sẽ thu trái bói vào đầu năm 2015. Mục tiêu đến mùa thu hoạch chính đầu tiên vào năm 2016, ông Hạ thu từ 3 tấn nhân/ha trở lên.
"Hiện nay, thôn Tiền Yên có khoảng 1.000ha càphê tái canh đang vào thời kỳ kinh doanh, trong đó 80% diện tích càphê ghép cải tạo và 20% diện tích càphê trồng mới và trồng xen. Còn khoảng hơn 100ha càphê già cỗi trong thôn sẽ hoàn thành việc tái canh trong năm 2015", ông Hạ cho biết.