Để hiểu rõ hơn vấn đề này, Báo Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Võ Văn Hưng – Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Trị.
Ông Võ Văn Hưng - Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Trị thăm mô hình trồng cây dược liệu cà gai leo ở huyện Cam Lộ. Ảnh: Ngọc Vũ
Thưa ông, Quảng Trị đã có những kết quả gì trong việc đầu tư NNCNC, NNHC?
- Phát triển NNCNC, NNHC là xu thế tất yếu nhằm tạo ra những đột phá mới trong sản xuất nông nghiệp, nhằm hướng tới phát triển nền nông nghiệp sạch, hiện đại và bền vững; đảm bảo nông nghiệp tăng trưởng ổn định với năng suất, chất lượng, sản lượng, hiệu quả và giá trị gia tăng cao. Khai thác có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên với các nguồn lực đầu tư trong đó có nguồn lực con người, hướng tới việc hài hòa và thống nhất lợi ích xã hội, kinh tế và sinh thái môi trường.
Ông Nguyễn Đức Chính - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị (bên phải ngoài cùng) tự tay cắt dưa lưới Nhật Bản trồng ở vùng cát trắng bãi ngang xã Trung Giang (Gio Linh) mời mọi người cùng thưởng thực. Ảnh: Ngọc Vũ
Qua hai năm thực hiện, việc ứng dụng khoa học công nghệ (nhất là công nghệ cao) tại Quảng Trị đã có những bước phát triển. Nhiều mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị quy mô lớn lần đầu được triển khai mang lại hiệu quả tích cực như ký kết hợp đồng với Công ty cổ phẩn thực phẩm Đồng Giao phát triển vùng nguyên liệu dứa với mục tiêu đến năm 2020 đạt 1.000 ha để xây dựng nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu tại Quảng Trị (năm 2017 đã trồng mới được gần 150 ha).
Chúng tôi đang ký kết với Tập đoàn Nafoods để triển khai vùng sản xuất chanh leo xuất khẩu tại Hướng Hóa; thành lập các HTX sản xuất hồ tiêu hữu cơ và vùng sản xuất hồ tiêu hữu cơ Quảng Trị tại huyện Vĩnh Linh… Ngoài ra, các HTX nông nghiệp như: HTX Nguyên Khang Hải Lăng; HTX Trường Sơn – Vĩnh Tú… đã mạnh dạn đầu tư các công nghệ nhà màng, tưới tiết kiệm, thủy canh để sản xuất dưa lưới, rau xà lách, dưa hấu…
Ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị (bên trái ngoài cùng) thăm mô hình trồng rau thủy canh ở huyện Hải Lăng. Ảnh: Ngọc Vũ
Bên cạnh đó, còn một số doanh nghiệp đã và đang đến khảo sát thực tế và dự kiến sẽ đầu tư sản xuất NNCNC trên địa bàn tỉnh như: Tập đoàn FLC đầu tư phát triển NNCNC tại Cam Lộ và Triệu Phong, Công ty Sumitomo - Nhật Bản (trồng dưa lưới, nuôi tôm công nghệ cao và trang trại tổng hợp tại các xã vùng cát huyện Gio Linh); phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam để thực hiện các mô hình phát triển trồng trọt, thủy sản, chăn nuôi phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp, Công ty ISE-FOOD của Nhật Bản phát triển ngô nguyên liệu gắn với nuôi gà đẻ trứng.
Liên kết sản xuất nông nghiệp điển hình nhất tại Quảng Trị là giữa Sở NNPTNT tỉnh với Tập đoàn Đại Nam – Nhà máy sản xuất phân bón Obi – Ong biển xây dựng và phát triển thương hiệu gạo hữu cơ Quảng Trị. Đến nay, đã liên kết sản xuất với quy mô 250 ha với tổng sản lượng gần 900 tấn lúa hữu cơ. Canh tác lúa hữu cơ, nông dân có lãi 26 – 38 triệu đồng/ha/vụ, cao gần gấp đôi so với sản xuất lúa đại trà.
Đây là mô hình hoàn toàn không sử dụng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật trừ sâu bệnh, chỉ sử dụng phân hữu cơ nhưng vẫn cho năng suất xấp xỉ sản xuất đại trà, toàn bộ sản phẩm được thu mua và trả tiền tươi ngay tại ruộng (8.000 đồng/kg), đảm bảo hiệu quả trên cả ba mặt kinh tế, xã hội và môi trường.
Thời gian tới, Quảng Trị cần làm gì để phát triển NNCNC, NNHC thưa ông?
- Quảng Trị cần quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để có kế hoạch đầu tư lâu dài hệ thống cơ sở hạ tầng, tiến tới triển khai các mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.
Để sản xuất NNCNC cần đội ngũ nhân lực có kỹ thuật, trẻ và sáng tạo, vì vậy các ban ngành, doanh nghiệp cần liên kết đào tạo lao động, kỹ thuật viên có năng lực, biết áp dụng KHKT vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp.
Nông dân trồng lúa theo hướng hữu cơ ở Quảng Trị được thu mua lúa tươi, trả tiền tươi tại ruộng. Ảnh: NV
Phát huy liên kết bốn nhà trong phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là yếu tố quan trọng để đảm bảo đầu vào, đầu ra cho sản phẩm, vì vậy cần đẩy mạnh và nhân rộng.
Làm ra sản phẩm đã khó, để thị trường biết và chấp nhận sản phẩm càng khó hơn, vì vậy cần đẩy mạnh công tác truyền thông, xây dựng thương hiệu các sản phẩm chủ lực, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Ở lĩnh vực này, báo chí là một kênh thông tin quan trọng, có ý nghĩa tích cực, giúp tạo thương hiệu sản phẩm.
Theo Ngọc Vũ/Báo Dân Việt.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn