Mỹ An (huyện Thủ Thừa) đón nhận danh hiệu xã đạt chuẩn NTM.
Đến dự lễ khánh thành Khu di tích lịch sử Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam Bộ tại xã Nhơn Hòa Lập (huyện Tân Thạnh) nhân kỷ niệm 72 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước những đổi thay của vùng nông thôn tỉnh Long An. Còn nhớ, năm 2010, Long An triển khai thực hiện Chương trình XDNTM trong điều kiện hết khó khăn, lúng túng. Cả hệ thống chính trị vào cuộc nhưng kết quả đạt được ban đầu rất khiêm tốn, số tiêu chí bình quân của toàn tỉnh chỉ đạt 6/19. Thời điểm này chất lượng cuộc sống của dân cư nông thôn còn thấp, thu nhập bình quân đầu người mới đạt 15,2 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 7,3%, nước sạch sinh hoạt chỉ cung cấp cho 88% số hộ dân nông thôn…
Chỉ sau 7 năm triển khai XDNTM (2010 - 2017), hệ thống hạ tầng nông thôn của tỉnh Long An hoàn toàn thay đổi, nổi bật là đường giao thông nông thôn, điện sinh hoạt, trường học, cơ sở vật chất văn hóa; đời sống của người dân từng bước được nâng cao. Đến nay, toàn tỉnh đã có 57 xã được công nhận NTM, bình quân các xã đạt 15,5/19 tiêu chí, tăng 9,5 tiêu chí so với năm 2010, trong đó có 80 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí. Đến cuối năm 2016, bình quân thu nhập đầu người ở khu vực nông thôn đã được nâng lên 31,2 triệu đồng/năm, tăng hơn 50% so với năm 2010; tỷ lệ hộ dân ở vùng nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh là 94,9%. Theo điều tra của Ban điều phối Chương trình MTQG XDNTM, hiện tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh chỉ còn 4,03% .
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế nông thôn, ông Trần Văn Cần, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho biết: “Nông thôn của tỉnh khởi sắc trong những năm gần đây nhờ vào chủ trương đúng đắn của Đảng bộ, chính quyền và sự nỗ lực rất lớn của người dân trong thực hiện Chương trình XDNTM. Để thực hiện tốt chương trình này, Long An đã thành lập Ban chỉ đạo XDNTM cấp tỉnh do Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT được phân công làm Phó ban Thường trực, Ban chỉ đạo cấp huyện, thị xã, thành phố cũng được thành lập trên cơ sở cơ cấu các phòng ban chuyên môn. Văn phòng điều phối Chương trình XDNTM là cánh tay đắc lực giúp Ban chỉ đạo trong việc triển khai thực hiện chương trình; cán bộ tham gia chương trình điều phối là những người có năng lực, trình độ chuyên môn cao, nhiệt huyết với công việc”.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Long An cũng ban hành Bộ tiêu chí XDNTM của tỉnh và phân công thực hiện 19 tiêu chí cho các ngành chức năng và các huyện, thị xã, thành phố. Sau khi hoàn thành kế hoạch thực hiện Chương trình đầu tư xây dựng và phát triển NTM của tỉnh giai đoạn 2010 - 2015, UBND tỉnh Long An tiếp tục triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình XDNTM giai đoạn 2015 - 2020. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020 là xây dựng 89 xã đạt tiêu chuẩn NTM, chiếm 53,6% số xã trong toàn tỉnh. Từ năm 2017 đến 2020, tỉnh xây dựng mỗi năm có 8 xã được công nhận NTM, phấn đấu hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống dân cư nông thôn như đường giao thông, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa… Nâng cao chất lượng cuộc sống của dân cư nông thôn, tạo ra nhiều mô hình sản xuất gắn với việc làm ổn định cho nhân dân; nâng thu nhập bình cho khu vực nông thôn đến năm 2020 đạt khoảng 56 triệu đồng/người.
Những địa phương và đơn vị thực hiện tốt Chương trình XDNTM ở tỉnh Long An thời gian qua là huyện Cần Đước, huyện Cần Giuộc, thị xã Kiến Tường; Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng dạy nghề (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội), Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và PTNT), Phòng xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc (PV28 Công an tỉnh), Đồn Biên phòng Bình Hòa Tây (Bộ đội biên phòng tỉnh). Ngoài ra còn có nhiều cá nhân ở các địa phương, đơn vị đóng góp tích cực trong phong trào XDNTM. Văn phòng điều phối Chương trình XDNTM tỉnh Long An cũng đã lập danh sách đề nghị khen thưởng 31 tập thể và 29 các nhân có thành tích xuất sắc trong năm 2017 về công tác XDNTM.
Theo Thanh Hải/KTNN.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn