Mỗi ngày của chị Lê Thị Thà, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong đều bắt đầu bằng những câu chuyện “lội ruộng băng đồng”, “cầm tay chỉ việc” giúp người nông dân. Cánh đồng 14ha với hơn 40 loại rau, củ đang lên xanh mướt là thành quả của Hợp tác xã sau nhiều năm tiên phong làm rau an toàn tại Quảng Ninh.
Anh Lê Xuân Hiến, một trong những xã viên đầu tiên cho biết, năm 2013, khi rau an toàn còn chưa phổ biến, chị Lê Thị Thà đã tập hợp, hướng dẫn nông dân quanh vùng canh tác sử dụng các loại phân hữu cơ vi sinh, thuốc trừ sâu thảo dược, trừ sâu hại bằng tay, bẫy dính: “Chị Thà là nông dân và chúng tôi cũng là nông dân. Trước kia người nông dân ở đây sản xuất không theo quy trình, đa số dùng phân bón hóa học. Đến giờ HTX sản xuất theo hướng hữu cơ, tăng năng suất cây trồng, chất lượng tốt, không độc hại. Không những tốt cho người lao động trực tiếp mà còn mang rau củ quả an toàn cho người tiêu dùng”.
Thế nhưng, con đường làm nên mớ rau an toàn cũng nhiều gian nan. Trăn trở với quê hương Đông Triều, người phụ nữ sinh năm 1975 mạnh dạn thuê đất của 165 hộ nông dân tại phường Xuân Sơn, “dồn điền đổi thửa” tạo vùng sản xuất quy mô lớn, rồi lại đưa chính những nông dân tại đây vào Hợp tác xã trồng rau, thu hái.
Bà Phùng Thị Lan cho biết, vượt qua những nghi ngại ban đầu, giờ đây, 70 “công nhân nông nghiệp” phần lớn là những phụ nữ lớn tuổi như bà đã không còn chỉ biết “trông vào mấy sào lúa” như trước kia nữa: “Trước đây cuộc sống không ổn định. Từ khi cho HTX thuê, mỗi năm trả 2 vụ, mỗi vụ 50 cân thóc. Mỗi tháng tôi được trả 3 triệu tiền lương, 8 tiếng hết giờ thì nghỉ, thu nhập ổn định nên vui hơn”.
Trái ngọt đã đậu trên vùng đất đệ tứ chiến khu. Rau an toàn của HTX Hoa Phong giờ cung cấp 2 tấn/ngày ra thị trường, phục vụ cho hàng chục doanh nghiệp ngành than, trường học trên địa bàn. Một số sản phẩm rau, củ vào hệ thống. Mỗi xã phường một sản phẩm OCOP của Quảng Ninh với bao bì, nhãn mác theo quy chuẩn, được người tiêu dùng tin tưởng.
Chưa dừng lại ở đó, Hợp tác xã còn liên kết với các hộ nông dân cùng làm nông nghiệp sạch. HTX Hoa Phong cung cấp thức ăn chăn nuôi, rồi quay lại thu mua thịt lợn, thịt gà, trứng, thủy sản của nông dân, giới thiệu sản phẩm, tìm đầu ra ổn định. Gần đây, chuỗi nông sản Gạo nếp cái hoa vàng - đặc sản Đông Triều với HTX Hoa Phong tham gia khâu thu mua, đóng gói, tiêu thụ đã dần tạo được thương hiệu trên thị trường.
Bà Vũ Thị Thắm, một hộ nông dân trồng lúa nếp cái hoa vàng cho biết: “Ký kết với Hợp tác xã thì bà con phải làm theo đúng quy trình VietGap, đảm bảo chất lượng thóc sạch. Giá thu mua cao nên chúng tôi rất yên tâm, phấn khởi”.
Tâm huyết với quê hương, với người nông dân đã mang đến cho chị Lê Thị Thà những danh hiệu như Sao thần nông, Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2016. Với chị, đó chỉ là động lực để tiếp tục đam mê: “Nhiều người nói tôi tự làm khổ mình nhưng tôi cho đấy là niềm vui, đam mê của tôi. Tôi rất muốn làm sao mở rộng những vùng sản xuất, liên kết chặt chẽ với người nông dân, tạo ra những sản phẩm hàng hóa an toàn. Từ đó mọi người nhìn chúng tôi và thấy không phải người nông dân là nghèo khổ mà có thể dùng trí tuệ để làm giàu trên chính mảnh đất quê hương”.
Giới thiệu khu nhà xưởng hơn 6.000m2 với khu bảo quản nông sản, máy móc thiết bị kho lạnh, chị Lê Thị Thà hào hứng chia sẻ những ý tưởng hiện đại hoá đồng ruộng, xây dựng chuỗi thực phẩm chất lượng cao ở những vùng đất mới. Mỗi ngày, “Giám đốc nông dân” Lê Thị Thà vẫn tất bật trên ruộng đồng cùng những người nông dân quê nhà thực hiện ước mơ làm nông nghiệp sạch./.
Theo Trường Giang/vov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn