Đây là cách làm phổ biến tại nhiều huyện của Cà Mau. Mô hình được anh Hồng Văn Lâu ở ấp Cái Nước Biển, xã Phú Tân huyện Phú Tân nhân rộng và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
|
Mô hình nuôi cua của gia đình anh Hồng Văn Lâu |
Anh Lâu cho biết, sau khi nuôi tôm công nghiệp không hiệu quả, anh đã tận dụng các đầm hiện có cải tạo để nuôi cua. Với ao nuôi diện tích 1.700 m2, anh Lâu thả 2.000 con cua giống. Để hạn chế tình trạng cua bò sang những ao bên cạnh, anh Lâu dùng lưới mành bao ví xung quanh đầm nuôi với chiều cao khoảng 1 m.
Sau hơn 3 tháng thả nuôi, cua đạt trọng lượng từ 300 gam trở lên, anh bắt đầu thu hoạch, thu lãi gần 70 triệu đồng. Qua 3 năm, mỗi năm anh thả nuôi 2 đợt, một đợt khoảng 2.000 con cua giống, trung bình lợi nhuận trên 100 triệu đồng/năm.
Chia sẻ về hiệu quả của mô hình, anh Lâu cho biết: “ Nếu so với mô hình nuôi tôm thì nuôi cua hiệu quả hơn, nhàn hơn.Với điều kiện thuận lợi là gần cửa biển, nên anh mua cá phân để cho cua ăn với chi phí thấp, mỗi ngày 3 kg, mỗi kg giá 6.000 đồng ”.
Phó chủ tịch UBND xã Nguyễn Thống Nhất cho biết: “Hiện tại, mô hình nuôi cua trong đầm tôm công nghiệp của anh Hồng Văn Lâu đang được nhiều hộ dân tham quan, học tập. Anh luôn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm cho bà con giúp nhân rộng mô hình, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển”.
Theo Phan Anh/hoinongdan.org.vn