Tận dụng diện tích 1.000m2 đất rẫy canh tác không hiệu quả, anh Trần Minh Hải đầu tư bể lót bạt nuôi ếch thương phẩm và ếch giống mang lại hiệu quả kinh tế khả quan. 7 năm trước, anh Hải khởi nghiệp bằng 15 cặp ếch giống.
Sau một thời gian mày mò nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm từ các hộ nuôi trước cùng với việc xem những thông tin trên sách vở, báo đài, anh đã mạnh dạn đầu tư nuôi ếch thương phẩm và ếch giống.
Anh Hải không nuôi ếch dưới ao mà nuôi trong bể lót bạt trên mặt đất, mỗi bể diện tích 20m2, thả 3.000 con/bể. Hiện tại, anh có 27 bể lót bạt nuôi ếch lớn nhỏ khác nhau, trong đó, 16 bể nuôi ếch thịt, 8 bể ếch con và 3 bể ếch giống.
“Trung bình mỗi đợt, xuất bán khoảng 8 tấn ếch thịt và hàng ngàn con ếch giống. Giá ếch thịt dao động từ 30.000 – 35.000 đồng/kg, ếch giống từ 600 đồng – 1.200 đồng/con tùy theo kích cỡ. Trừ các chi phí, mỗi đợt lãi trên 50 triệu đồng” - anh Hải phấn khởi.
Cũng theo anh Hải, thời điểm thuận lợi cho ếch sinh sản và phát triển từ tháng 2 đến tháng 8. Vào mùa sinh sản, để ếch bố mẹ vào bể ương giống, ếch đẻ vào thời điểm gần sáng. Sau 2 năm sinh sản, ếch già cần loại bỏ và tuyển chọn đợt ếch bố mẹ mới.
“Đối với ếch sinh sản, để có năng suất cao, cần phải chọn con khỏe mạnh, cung cấp thưc ăn đầy đủ và điều độ thì mới đẻ sai. Trung bình mỗi năm, ếch đẻ 3 lần, mỗi lần từ 200 – 300 con, từ khi nở, nuôi 1,5 tháng đạt 120 con/kg, có thể xuất bán ếch con, tỉ lệ hao hụt chỉ khoảng 10%” - anh Hải chia sẻ kinh nghiệm.
Còn đối với ếch thương phẩm nuôi từ 3 – 4 tháng, mật độ trung bình từ 100 – 150 con/m2, chủ yếu sử dụng thức ăn công nghiệp có hàm lượng đạm cao. Chi phí đầu tư nuôi ếch thương phẩm thấp, nếu áp dụng đúng kỹ thuật và chăm sóc tốt sẽ cho lợi nhuận khá.
Trong bể lót bạt, anh Hải đóng những vạt tre để ếch ngồi ăn, mực nước trong bể nuôi chỉ để ngập 2/3 thân ếch. Đối với ếch trưởng thành, mỗi ngày anh cho 10kg thức ăn/bồn. “Khi cho ếch ăn phải phân điều độ, tránh thừa, cho ăn quá nhiều ếch sẽ bị trương bụng. Đặc biệt, nên thay nước sạch trước khi cho ăn để thức ăn không bị ô nhiễm. Nên cho ếch ăn vào sáng sớm và chiều mát để ếch dễ tiêu hóa” - anh Hải cho biết.
Ngoài thức ăn thì khâu vệ sinh cũng không kém phần quan trọng, nếu không đảm bảo vệ sinh sẽ gây một số bệnh thường gặp, như: Nhiễm trùng đường ruột, mù mắt, ghẻ… Đối với những con bị bệnh nên sớm cách ly khỏi đàn để tránh lây lan. Để phòng những bệnh này, cần thay nước mỗi ngày, tránh để thức ăn hư thối làm ô nhiễm nguồn nước. Ngoài ra, cần chú ý tách những con cùng trọng lượng để tránh tranh giành thức ăn, hiện tượng con lớn cắn con nhỏ, giảm thiểu tối đa tỉ lệ hao hụt.
Nuôi ếch trong bể lót bạt có nhiều ưu điểm, tận dụng được diện tích đất sẵn có, hạn chế được mầm bệnh, dễ chăm sóc, quản lý, giải quyết được việc làm cho người dân. “Ếch là loài vật dễ nuôi, ít công chăm sóc nhưng đem lại hiệu quả cao. Sắp tới, tôi sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình, ngoài việc cung cấp thịt còn cung cấp con giống, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con địa phương” - anh Hải nói.
Theo An Giang Online
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn