Năm 2015, trang trại nuôi gà thảo dược của bà đã đạt chứng nhận VietGAP và vừa được cấp giấy chứng nhận chuỗi an toàn nông sản.
* Sản phẩm vì sức khỏe
Bà Ten cho biết: “Gà thảo dược khi làm ra không có vị tanh mà thịt rất ngọt, thơm. Kỹ thuật nuôi gà thảo dược rất khó, trong đó yếu tố quan trọng là phải đảm bảo cho ăn đủ tỷ lệ thảo dược; đồng thời phải tuyển chọn kỹ về chất lượng nguồn nguyên liệu chế biến thức ăn cho gà”.
Theo bà Ten, kháng sinh là “con dao 2 lưỡi”, nếu lạm dụng không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm mà trước hết gây hại cho chính bản thân người nuôi trong quá trình sử dụng. Bà Ten đã bỏ ra không ít tâm sức để thử nghiệm việc sử dụng các loại dược thảo thiên nhiên thay thế kháng sinh trong phòng và chữa bệnh.
Hơn 20 năm gắn bó với nghề chăn nuôi, bà Ten đã trải qua rất nhiều giai đoạn thăng trầm. Tình trạng đầu ra bấp bênh, giá gà trồi sụt thất thường khiến bà quyết tâm tìm kiếm DN bao tiêu. Năm 2011, bà nuôi thử nghiệm lứa gà thảo dược đầu tiên. Khi DN ngưng triển khai chương trình, bà vẫn kiên trì đầu tư nuôi dòng đặc sản này do đây là hướng sản xuất sạch vì sức khỏe con người. Bà Ten chia sẻ: “3 năm đầu, tôi liên tục đổ vốn, đổ công vào gà thảo dược. Vì dòng sản phẩm mới này chưa được thị trường biết nhiều nên ngay cả khi Công ty TNHH San Hà (TP.Hồ Chí Minh) đặt vấn đề bao tiêu, chúng tôi vẫn rất vất vả trong việc tìm đầu ra. Chúng tôi đã tổ chức rất nhiều hội thảo, chế biến gà thảo dược mời khách dùng thử. Sản phẩm ngon, được khách đánh giá cao, chúng tôi mừng rơi nước mắt”.
* Sẵn sàng trước hội nhập
Theo bà Ten, tìm được thị trường là điều không hề dễ nhưng có rồi thì trách nhiệm với thị trường là rất lớn. Vì thời điểm nuôi nhiều nhất, trang trại của bà phát triển đàn khoảng 50 ngàn con, trung bình cung cấp cho DN từ 250-350 con gà/ngày. Để đảm bảo được điều này, khoảng 20 ngày bà phải nhập thêm đợt giống mới, phải tính toán tỉ mỉ đảm bảo luôn đủ nguồn hàng cung cấp cho DN.
Một khó khăn không nhỏ là nguồn thảo dược hiện chủ yếu vẫn dựa vào nhập khẩu. Trong những năm qua, thảo dược đã vài lần điều chỉnh giá ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận của người nuôi. “Phải làm được sản phẩm ngon, bổ dưỡng với mức giá mà người nghèo cũng có thể ăn được. Chính vì vậy, người chăn nuôi phải tăng lợi nhuận bằng cách giảm chi phí đầu vào” - bà Ten nói.
Bà sớm thành lập trang trại chăn nuôi theo quy mô công nghiệp, đầu tư máy móc tự chế biến thức ăn; ứng dụng công nghệ đệm lót sinh học trong chuồng trại; tham gia chuỗi liên kết… Bà cũng đang hướng đến việc sử dụng nguồn dược thảo trong nước nhằm giảm chi phí và chủ động hơn khi mở rộng sản xuất.
Theo Báo Đồng Nai
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn