Khu trang trại chăn nuôi cả vườn rộng gần 1000m2 của ông Phạm Ngọc Bào ở xã Vũ Lăng, Tiền Hải, Thái Bình
Nuôi kỳ đà vốn ít, lãi nhiều
Nhìn những con kỳ đà to, khỏe nằm phơi mình trong sân nuôi, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên, vì không ngờ con vật được xem là “rồng đất” chủ yếu sống ở vùng rừng núi - lại được ông Bào nuôi ngay tại nhà. Sau khi hỏi về thời gian nuôi mới biết, con giống khi nhập về đến khi xuất chuồng bán thương phẩm chỉ mất từ 4-5 tháng.
Vừa nuôi, ông Bào vừa mày mò tìm hiểu kỹ thuật nuôi, chăm sóc, phòng dịch bệnh, những con kỳ đà con sau một khoảng thời gian nuôi, đã bắt đầu thích nghi với môi trường, lớn nhanh, trọng lượng mỗi con tăng lên hơn 0,4 kg. Quá mừng, ông Bào đã liên hệ vào tận trong Nam để mua thêm con giống, xây dựng chuồng trại, quyết chí làm giàu từ kỳ đà.
Bắt đầu từ năm 2010, ông Bào đã xuất bán thành công lứa kỳ đà đầu tiên của mình, thu về hàng chục triệu đồng trước sự ngỡ ngàng của nhiều người. Từ đó đến nay, ông Bào đã bán hàng trăm con kỳ đà giống và thịt ở trong tỉnh lẫn ngoài tỉnh, thu về trên 100 triệu đồng mỗi năm.
Dễ nuôi, dễ chăm sóc
Theo ông Bào, nuôi kỳ đà ít lo lắng chuyện dịch bệnh. Kỹ thuật nuôi không khó, thức ăn chính là các loại thịt động vật nhỏ, các phụ phế phẩm ở lò mổ đem về nấu chín; thậm chí mùa đông chỉ cần cho ăn vài con cóc nhái là kỳ đà có thể sống cả tháng.
Chuồng trại nuôi kỳ đà của ông Bào cũng rất giản đơn, chỉ cần ngăn làm nhiều ô để nhốt các cá thể kỳ đà có trọng lượng khác nhau, một ngăn đổ cát thành từng đống dành cho kỳ đà ngủ, đào hang đẻ trứng, còn ngăn kia là “sân chơi” để phơi nắng, ăn uống.
Thức ăn khoái khẩu của kỳ đà chính là cóc, nhái, ốc... giúp chúng lớn nhanh và cũng chính là “thuốc” phòng ngừa bệnh táo bón. Mỗi khi thay da, con này bám vào con kia làm trầy xước nên kỳ đà hay bị nấm ngoài da, do vậy phải bấm hết móng chân.
Ngoài ra, về đêm kỳ đà hay bò ra “sân chơi” uống nước rồi nằm luôn trong máng nên chiều tối phải thay nước, dội chuồng sạch sẽ phòng bệnh ký sinh trùng.
Trang trại nuôi Kỳ Đà của ông Phạm Ngọc Bào đem về hơn 100 triệu đồng mỗi năm.
Ông Bào nói rằng nuôi kỳ đà rất khỏe lại nhàn, chỉ sau gần 1 năm mỗi con có thể đạt trọng lượng 6 - 8 kg, giá bán từ 350-400.000 đồng/kg, mỗi con có giá khoảng vài triệu đồng.
Thông thường, kỳ đà khi nặng 2 kg thì bắt đầu động dục, mỗi năm chỉ một lần đẻ từ tháng 7 - tháng 10. Sau 4 tháng mang thai, mỗi con kỳ đà trong một giờ đồng hồ đẻ từ 27 - 35 trứng, sau 28 ngày ấp công nghiệp, những chú kỳ đà con ra đời. Ông Bào kể, do việc ấp nở trứng không đạt hiệu quả, con non nở ra rất yếu và khó nuôi, nên chú đã liên hệ vào trong Nam để mua con giống về cho an toàn.
Theo tìm hiểu được biết, Kỳ đà là con vật ưa nóng, có thể chịu đựng ở nhiệt độ 60 độ C nhưng không chịu được lạnh dưới 10 độ C, do vậy vùng đất từ Quảng Bình trở vào, nhất là khu vực miền Trung đều có thể nuôi được. Ngoài việc nuôi Kỳ đà bán thương phẩm, ông Bào còn mở rộng việc cung ứng con giống cho bà con trong và ngoài Tỉnh, với mong muốn phát triển mạnh mô hình nuôi kỳ đà, giúp nông dân cải thiện cuộc sống, vươn lên làm giàu nên những người đến mua giống, ông Bào đều nhiệt tình hướng dẫn từ kỹ thuật nuôi, chăm sóc, ấp nở giống..
Với tư duy làm giàu giỏi, không ngừng phát triển mô hình xây dựng kinh tế trang trại, ông Bào còn nuôi thêm khoảng 1000 con ba ba (chủ yếu là ba ba gai), mỗi con ba ba gai có giá bán thương phẩm lên tới 420-500.000 đồng/kg, đem lại nguồn thu hàng trăm triệu mỗi năm.
Khu nuôi Ba Ba gai trong vườn nhà ông Bào.
Nhận thấy giá trị của việc nuôi kỳ đà và ba ba với giá bán trên thị trường ổn định, nên ông Bào đã không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm nuôi 2 loài vật kỳ lạ này và nhân rộng mô hình đến nhiều hộ dân trong xã, giúp tạo thu nhập và công ăn việc làm cho mọi người.
Trần Thanh/dantri.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn