"Ai cũng kêu tui ham, trồng đủ thứ cây, rồi nuôi bò, nuôi cá. Tiếng là ở miệt vườn đất rộng, nhưng tui thì vẫn ghi nhớ câu truyền miệng của ông cha là tấc đất, tấc vàng. Trồng nhiều loại cây trái, nuôi thêm bò, cá tai tượng cũng là tăng thu nhập, phân tán rủi ro thôi...Biết cách làm, xắp sếp, phân công công việc hợp lý thì việc nuôi, trồng cũng "ung dung" thôi chớ có vất vả chi cho nhiều...", ông Năm Hào giải bày về mô hình VAC của mình.
Vườn cam sành của ông Năm Hào không dùng phân hóa học, chỉ dùng phân bò mà cây nào cây nấy đều xanh bền, sai trĩu quả. Vườn cam sành trồng xen nhãn Idol này vốn trước đây là đất trồng lúa được ông Hào chuyển đổi mà thành.
Còn nhớ, cách đây 11 năm, ông Nguyễn Văn Hào bắt đầu xây dựng mô hình VAC trên đám vườn tạp rộng hơn 1,6ha của gia đình. Ông dành 6.000m2 để cải tạo rồi trồng dừa xiêm và măng cụt; 8.000m2 trước đây trồng lúa được ông chuyển sang trồng cam sành xen canh với cây nhãn Idol-2 loại đặc sản rất đặc trưng của vùng đất Trà Ôn.
Bên cạnh nguồn thu từ bán nhãn quả, ông Năm Hào còn làm cây giống để bán cho các nhà vườn có nhu cầu trồng giống nhãn Idol.
Lý giải thêm về mô hình VAC nuôi trồng tưởng như "lung tung" của gia đình, ông Năm Hào nói: "Tôi cắt cỏ trên vườn cây cam sành và nhãn Idol để cho bò ăn; dùng phân bò bón cho vườn cam và vườn nhãn. Nước thải của đàn bò tôi cho xuống hầm khí Biogas để làm nhiên liệu đốt trong sinh hoạt cho gia đình. Vườn cam sành, tôi xử lý cho trái mùa thuận lẫn mùa nghịch để tăng thu nhập. Sở dĩ tôi trồng 2.000 gốc nhãn Idol xen trong vườn cam sành để khi cam sành suy kiệt thì mình đốn bỏ cũng là lúc nhãn có đất và nguồn ánh sáng phát triển tốt nhất".
Với đàn bò sinh sản hàng chục con, không chỉ có nguồn thu từ bán bò giống, bò thịt, ông Hào còn tận dụng nguồn phân để bón cho vườn cây ăn trái.
Từ năm 2010 đến nay, mỗi năm ông Năm Hào thu hoạch được khoản 250 triệu đồng tiền bán nhãn trái; trên 100 triệu đồng tiền bán cây nhãn giống. Cạnh đó ông còn thu về trên 40 tấn cam sành/năm, trừ chi phí còn lãi 400.000.000 đồng mỗi năm. Đó là chưa kể nguồn lợi mỗi năm khoảng 50 triệu đồng từ hơn 200 gốc dừa xiêm đang cho trái rất sai.
Trên diện tích khoảng 200m2 mặt nước, ông Năm Hào sản xuất cá giống tai tượng và xuất bán mỗi năm trên 10.000 con cá giống thu về từ 60 triệu đồng/năm. Riêng 2 năm 2016 và 2017, mỗi năm ông bán được gần 80 triệu đồng tiền cá tai tượng giống.
200m2 ao ương cá tai tượng giống, mỗi năm mang lại nguồn thu từ 50-80 triệu đồng cho gia đình ông Năm Hào.
Cạnh đó ông Hào còn xuất bán mỗi năm khoảng 10 con bò thịt và 6 con bò giống với giá từ 17 triệu đồng đến xấp xỉ 40 triệu đồng/con tùy trọng lượng, vóc dáng.
Chỉ làm một phép tính cộng đơn giản, với cách làm và mức thu nhập như hiện nay, mỗi năm ông Hào đã có số tiền lãi hơn 1 tỷ đồng từ vườn ao chuồng.
Bất kỳ ai vào thăm vườn cam sành của gia đình ông Năm Hào đều hết lời khen ngợi.
Nhận xét về mô hình VAC khép kín rất hiệu quả của ông Hào, ông Trần Đức Thanh, Chủ tịch Hội Nông Dân xã Tân Mỹ cho biết : “Ông Hào có cách làm kinh tế liên hoàn rất khoa học, vừa mang lại hiệu quả cao, vừa giảm được chi phí đầu tư, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, đảm bảo chất lượng cây ăn trái...”.
Không dừng lại ở đó, hiện nay ông Nguyễn Văn Hào còn đầu tư vào lĩnh vực trồng hơn 200 gốc mai kiểng để vừa tăng thêm thu nhập vừa thỏa mãn thú vui tao nhã này.
Với cách nghĩ, cách làm và sự quyết tâm cần cù lao động, ông Nguyễn Văn Hào đã được nhận nhiều bằng khen của Trung ương, tỉnh, huyện về thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất. Mới đây, nhân kỷ niệm 128 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh ( 19/5/1890 – 19/5/2018) ông Hào vinh dự được chọn là một trong những điển hình tiêu biểu tại hội nghị “ Báo công dâng Bác” tỉnh Vĩnh Long.Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn