Năm 1976, khi mới 5 tuổi, ông Phương cùng gia đình rời phố cổ Hội An (Quảng Nam) lên xây dựng kinh tế mới ở thôn 5, xã Hòa Phong (hay còn gọi là Ba Phường).
Sau khi lập gia đình (năm 1994), ông tiếp tục đi tìm “vùng đất hứa” và dừng chân ở Tân Uyên (Bình Dương). 5 năm nơi đất khách quê người, làm nhiều việc, trồng nhiều loại cây nhưng cuộc sống gia đình ông chẳng khá lên bao nhiêu.
Ông Phương tâm sự: Những ngày tháng sống ở Bình Dương, tôi luôn đau đáu một điều, muốn phát triển kinh tế phải mạnh dạn thay đổi cung cách làm ăn. Nhận ra rằng, vùng đất ở đây không khác mấy so với vùng đất Hòa Phong, hầu hết người dân làm giàu từ cây cao su, vì thế, năm 1999, tôi bàn với vợ trở về Hòa Phong lập nghiệp.
Ngày trở về, nhà cửa, đất đai không có, gia đình ông vào định cư ở khu vực buôn Ngô A, với tài sản lớn nhất chỉ là đôi bàn tay, sức trẻ. Nhờ chịu thương chịu khó và biết tính toán làm ăn, đến nay, gia đình ông đã có 4ha đất với mô hình đa cây khép kín. Trong đó có 1,2ha cà phê kinh doanh trồng xen cây ăn trái (bơ, sầu riêng, cam…), 1,8ha cao su đã qua thời kỳ kiến thiết và cho thu hoạch vụ đầu, 0,5ha ruộng nước 2 vụ và 0,5ha trồng màu, kết hợp với chăn nuôi gà thả vườn.
Với diện tích trồng lúa, hàng năm gia đình ông Phương không lo thiếu lương thực; gà chăn nuôi được, ngoài việc cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho gia đình, số còn lại đem bán ra thị trường cũng cho một nguồn thu đáng kể.
Để tăng năng suất và giảm chi phí đầu vào, hạn chế việc sử dụng phân vô cơ, ông Phương sử dụng vỏ cà phê trộn với phân bò theo công thức: 8 tạ vỏ cà phê + 2 tạ phân bò + men Tricodakma ủ thành 1 tấn phân vi sinh. Nhờ vậy mà 1,2ha cà phê mỗi năm cho thu hoạch 5 tấn nhân, trừ chi phí, lãi 120 triệu đồng.
“Vàng trắng” trên vùng đất xám
Cách đây 6 năm, khi đã có thu nhập ổn định từ cây cà phê, ông Phương quyết định thực hiện ước mơ ấp ủ bấy lâu là phát triển cây cao su tiểu điền trên vùng đất xám. Ông suy nghĩ, để cao su trở thành cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao, đòi hỏi phải am hiểu điều kiện thổ nhưỡng và nắm vững kỹ thuật canh tác, nếu không sẽ thất bại. Vì thế, việc đầu tiên là ông lấy mẫu đất đem lên Viện Khoa học kỹ thuật nông - lâm nghiệp Tây Nguyên nhờ phân tích chất đất. Nhận được kết quả phân tích chất đất trên tay, ông rất vui vì độ pH thích hợp với cây cao su. Cây giống được Viện tư vấn và qua tìm hiểu trong sách báo, ông tìm mua giống FB 260, loại giống cao sản dòng vô tính, có năng suất cao hơn, ít nhiễm bệnh phấn trắng, phù hợp với bình độ và điều kiện thời tiết ở Tây Nguyên. Để đảm bảo chất lượng cây giống, ông mạnh dạn đầu tư mua loại giống bầu B10 (còn gọi là bầu ghép mắt ngủ), giá 20.000 đồng/bầu, cao gấp hơn 3 lần so với loại Stump10.
Ông Phương cho biết, ngày ấy, gia đình ông phải bán đi đàn trâu, bò 20 con để lấy tiền mua thêm 1,8ha đất trồng cao su. Việc bán bò mua đất trồng cao su khiến nhiều người xung quanh cười chê, dè bỉu cho rằng trồng cao su ở vùng đất này là sai lầm, bởi đã có nhiều người trồng cây cao su trên địa bàn xã nhưng chưa thành công.
Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, hai năm đầu cây cao su chưa khép tán, ông trồng xen mỳ (sắn) cao sản để có thu nhập bù đắp vào chi phí.
Đến nay, vườn cao su đã cho thu hoạch những xô mủ đầu tiên. Do công việc cạo mủ vào ban đêm, gia đình ông tự làm cứ 4 ngày quay vòng trở lại, chu kỳ đầu mỗi ngày thu được 30kg mủ tươi, chu kỳ 2 mỗi lượng mủ tăng dần lên, về chất lượng mủ đạt trên 30 độ, với giá bán hiện tại cho Công ty Phương Bằng ở TP. Buôn ma Thuột 12.000 đồng/kg, thì giá trị ngày công đạt 360.000 - 450.000 đồng, đủ trang trải cho mọi nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Nếu không có gì biến động thì kể từ năm nay, gia đình ông tích lũy được trọn vẹn số tiền thu nhập từ cây cà phê và các loại cây, con khác.
Ông cho biết thêm: Đầu tư chi phí ban đầu cho cây cao su khá thấp. Trong thời kỳ kiến thiết, một năm chỉ cần bón 150kg phân lân nung chảy, 15kg kali và 50kg đạm urê cho 1ha; thời kỳ kinh doanh có tăng thêm một ít, nhưng thời gian thu hoạch lại quay vòng quanh năm. Theo tính toán, trồng cây cao su so với cây cà phê thì sẽ thực hiện được 5 giảm: giảm đầu tư, giảm tưới, giảm lượng phân bón, giảm thuốc BVTV và giảm công chăm sóc, thu hoạch. Về hướng phát triển, tôi đã đào lỗ và tiếp tục mua giống trồng thêm 1.000 cây cao su trên diện tích còn lại.
Ông Nguyễn Huệ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Phong, nhận xét: Nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, các loại cây trồng của gia đình ông Phương đều cho năng suất cao.
Để cây cao su đứng vững trên vùng đất xám, ông Huệ rất mong có sự liên kết giữa 3 nhà (nhà nông, nhà khoa học và doanh nghiệp), giúp nông dân phát triển sản xuất cũng như ổn định đầu ra cho sản phẩm.