Đó là tên gọi trìu mến của người dân xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất dành cho ông Phí Văn Thắng - một trong những người tiên phong làm kinh tế trang trại VAC ở địa phương.
Xuất ngũ trở về năm 1975, ông Phí Văn Thắng khá vất vả bươn chải với nhiều công việc để mưu sinh. Sau nhiều năm làm cán bộ thôn, ông hiểu rõ đồng đất canh tác ở Hương Ngải và quyết tâm làm giàu ngay tại quê hương. Thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, sau khi tham quan học hỏi các địa phương trong và ngoài huyện, năm 2003 xã Hương Ngải đã xây dựng và triển khai đề án chuyển đổi diện tích khu trũng cấy lúa kém hiệu quả sang mô hình kinh tế VAC. Bình quân mỗi mô hình chuyển đổi có diện tích từ 0,5 - 1ha. Thấy cơ hội đã đến, ông Thắng đã mạnh dạn nhận chuyển đổi 1,1ha đất quỹ 2 của xã ở khu đồng Trà sang mô hình VAC. Tiếp đó ông đổi phần diện tích đất canh tác của gia đình rải rác ở các cánh đồng khác tập trung về đây để tiện canh tác cũng như quy hoạch. Sau khi đã có đất và có vốn từ chắt chiu, dành dụm của gia đình cộng thêm tiền vay ngân hàng, đầu năm 2004, ông Thắng bắt tay vào đào 4 ao thả cá trên diện tích 3 mẫu, trong đó 1 ao chuyên ươm gột cá giống. Ao nuôi cá kết hợp thả nhiều loại như trắm, chép, mè, rô phi đơn tính để tận dụng nguồn thức ăn và tầng nước.
Ông Phí Văn Thắng trong vườn cây ăn quả.
Để sản xuất đạt hiệu quả cao, ông tìm tòi học hỏi kinh nghiệm về nuôi cá qua những lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật của xã, huyện và học thêm qua sách, báo. Không chỉ thế, ông còn mày mò đến các khu nuôi thủy sản trong vùng để trao đổi, học tập kinh nghiệm. Ngoài việc điều tiết nước trong ao nuôi hợp lý, ông luôn quan tâm đến thức ăn cho cá như rau cỏ, thức ăn tinh và cho cá ăn đúng giờ bằng việc đánh một hồi kẻng trước khi cho cá ăn… Trên bờ ao, ông Thắng xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi gà ta và trồng cây ăn quả như bưởi Diễn, táo đại, ổi Thái Lan, bưởi da xanh, xoài, mít Thái, chanh… Một phần diện tích cấy lúa và trồng rau để bảo đảm nguồn lương thực cho gia đình, cũng như thức ăn chăn nuôi. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, trang trại VAC đã mang lại cho gia đình ông nguồn thu nhập khá ổn định. Năm 2014, thu nhập từ trang trại đạt trên 600 triệu đồng, trừ chi phí, gia đình thu lãi trên 200 triệu đồng. Cùng với gia đình ông Phí Văn Thắng, nhiều hộ dân khác đã mạnh dạn nhận chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang mô hình kinh tế trang trại hay trồng hoa lan cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần cấy lúa. Đại diện UBND xã Hương Ngải cho biết, đến nay toàn xã chuyển đổi được 31 mô hình VAC với diện tích trên 30ha. Các mô hình này đang tiếp tục được nhân rộng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân theo tiêu chí nông thôn mới.