Vườn sầu riêng sum xuê trái của ông Nguyễn Thanh Cường nức tiếng ấp 9, xã Nhân Nghĩa, huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai). Ông là người tiên phong đưa giống sầu riêng Thái về trồng. Từ thành công của ông Cường, nhiều hộ cũng hưởng ứng trồng theo, biến nơi đây thành “vương quốc sầu riêng” nổi tiếng không kém những vùng miệt vườn ở miền Tây.
Ông Cường chia sẻ, sau giải phóng, ông cùng gia đình từ Bình Dương di cư về Đồng Nai khai hoang lập nghiệp. Khi cưới vợ được bố mẹ cho 7 sào đất để trồng trọt mưu sinh. Lúc đầu chủ yếu trồng vườn tạp với đủ loại cây như cà phê, sầu riêng, tiêu…theo phương thức lấy ngắn nuôi dài chứ chưa nghĩ đến chuyện làm giàu. Có nhiều gốc sầu riêng đã trồng 10 năm chưa ra hoa đậu trái vì bị điếc nhưng vì yêu cây quý nghề, ông vẫn không nản lòng, quyết tâm theo đuổi.
Đến năm 1996, doanh nghiệp tại Đồng Nai nhập về giống sầu riêng Thái cho hiệu quả kinh tế cao. "Tôi quyết tâm đầu tư trồng giống này trên toàn bộ diện tích vườn”, ông Cường kể.
Ông Cường bên gốc sầu riêng trĩu quả tại Đồng Nai. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam |
Thời gian đầu, dù quyết tâm cao nhưng bị kẹt vốn, ông cứ loay hoay tìm vay khắp nơi không được. Cuối cùng người nông dân đành bàn với vợ đem bán chiếc nhẫn kỷ niệm ngày cưới được 400.000 đồng để mua hết cây giống sầu riêng về trồng. Từ đó, ông mày mò học cách ghép để chiết nhánh cây sầu riêng Thái ghép vào gốc sầu riêng hạt đã có sẵn. Ông tìm đến các nông trường ghép cao su, cà phê để quan sát và học cách ghép cành rồi về tự mình áp dụng kỹ thuật ghép sầu riêng. Do nắm bắt kỹ thuật nhanh, ông ghép cây nào cũng sống và sinh trưởng tốt.
Ưu điểm của việc ghép cây sầu riêng là giảm được chi phí đầu tư, rút ngắn thời gian ra trái. Thông thường trồng sầu riêng phải từ 5-6 năm mới có quả, nhưng cây ghép chỉ trong vòng 3 năm đã có thể thu hoạch. Tuy nhiên, suốt 6 năm đầu, vườn sầu riêng của ông hầu như mất trắng vì cây đậu trái rất ít.
Mỗi lần mưa xuống, ra thăm vườn thấy hoa, trái rụng đầy gốc khiến ông đau xót, nhưng lại tự an ủi mình và quyết tâm tìm cách khắc phục. Thấy ông đem cây sầu riêng Thái về trồng thất bại, nhiều người chê ông làm những việc không giống ai và chẳng ai tin ông sẽ thành công.
Mấy năm đầu trồng ghép cây sầu riêng Thái gần như bị mất trắng, mỗi mùa vườn chỉ đậu vài cây ra hoa nhưng bù lại cây cho trái rất to. Khi những trái sầu riêng này chín, vợ chồng ông đem đi bán và bất ngờ vì khách rất ưa chuộng, bán giá bao nhiêu cũng mua. "Thật không ngờ, khách đến xem sầu riêng xong trả 16.500 đồng/kg, giá cao nhất thời đó. Khi bán xong tôi đếm được 480.000 đồng. Mừng quá tôi mua ngay một chỉ vàng đem về trả nợ cho bà xã. Đến nay cây sầu riêng cho trái to ấy vẫn còn trong vườn, được ưu ái đặt tên là cây một chỉ vàng", ông nói.
Tìm thấy nguồn động viên to lớn từ cây sầu riêng Thái này, ông Cường kiên trì tự mày mò, tìm hiểu kiến thức trên sách, báo để trao dồi kỹ thuật. Ông còn gặp những người có nhiều kinh nghiệm trồng sầu riêng để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm.
Nghề dạy nghề, tích lũy nhiều năm kinh nghiệm nên bây giờ chỉ cần nhìn lá sầu riêng là ông có thể biết mùa nào thắng, mùa nào thua. Do vậy, trừ khi gặp thiên tai đành phải chấp nhận, còn đến nay năm nào vườn nhà ông cũng được mùa thắng lớn. Khi đã có lời, gia đình ông tiếp tục đầu tư mở rộng vườn sầu riêng.
Đến nay, gia đình ông đã có hơn 4 ha sầu riêng, mỗi năm cho thu hoạch khoảng 70 tấn. Sau khi trừ chi phí, ông còn lời khoảng 1,2 tỷ đồng và cái tên Cường sầu riêng, ông trùm sầu riêng bắt đầu vang xa, được nhiều người biết đến. Thấy mô hình làm ăn của gia đình ông đạt hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ xung quanh cũng chuyển sang chuyên canh sầu riêng và được người nông dân này nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm.
Bà Phạm Thị Tuyết, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Nhơn Nghĩa: "Sầu riêng là cây trồng chủ lực của xã Nhơn Nghĩa, giúp bà con làm giàu. Hiện toàn xã có gần 200 ha sầu riêng, chiếm một phần tư diện tích đất nông nghiệp. Xã đã hỗ trợ cho 18 hộ lắp đặt hệ thống tưới nước tự động để trồng cây sầu riêng cho năng suất cao.
Theo Nông nghiệp Việt Nam
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn