Sản phẩm bí thơm xanh của HTX nông nghiệp sạch Tân Sơn, huyện Chợ Mới hấp dẫn người tiêu dùng
Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được triển khai thực hiện tại Bắc Kạn từ năm 2016, đến nay từng nội dung của cuộc vận động đã đi sâu vào đời sống nhân dân, mang lại những kết quả nổi bật.
Theo Phó Chủ tịch MTTQ tỉnh Bắc Kạn Ma Nhật Hoài, hai năm qua, phát huy thế mạnh của mỗi địa phương, MTTQ đã vận động nhân dân tham gia các tổ hợp tác, tổ chức thành lập và duy trì hoạt động hợp tác xã kiểu mới, từng bước xây dựng thương hiệu nông dân sản xuất hàng hóa đặc trưng.
Tỉnh Bắc Kạn hiện có 118 hợp tác xã, trong đó có 43 hợp tác xã mới thành lập năm 2017, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển sản xuất kinh doanh tạo thu nhập ổn định cho hơn 1.000 thành viên và người lao động tại địa phương. Đó là những Hợp tác xã Nông nghiệp Bản Nghè (Cổ Linh, Pác Nặm), Hợp tác xã Chăn nuôi và làm vườn Phương Đức (Hà Hiệu, Ba Bể), HTX Nông nghiệp Cẩm Giàng (Cẩm Giàng, Bạch Thông), HTX nông nghiệp sạch Tân Sơn, huyện Chợ Mới…
Điển hình như HTX nông nghiệp sạch Tân Sơn, huyện Chợ Mới với thế mạnh về trồng cây gừng từ nhiều năm nay với diện tích khoảng 60ha. Đặc biệt hai năm trở lại đây, nhân dân trong xã còn mạnh dạn trồng cây bí thơm xanh với diện tích khoảng 5ha. Nhờ các loại cây trồng này mà nhiều gia đình đã có nguồn thu nhập.
Tuy nhiên các hộ mới chỉ sản xuất đơn lẻ, mạnh ai nấy làm, thiếu sự liên kết trong khâu trồng, chuyển giao khoa học kỹ thuật và tìm kiếm thị trường tiêu thụ nên sản phẩm làm ra chất lượng chưa cao, giá thành không ổn định.
Cuối năm 2016, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, MTTQ, Liên minh HTX tỉnh Bắc Kạn, Hợp tác xã nông nghiệp sạch Tân Sơn được thành lập với quy mô 30ha, các thành viên tham gia trồng các loại củ, quả đặc trưng của địa phương như gừng, nghệ, bí xanh và quả dưa. Sản phẩm được HTX đứng ra thu mua, đóng gói và liên kết tiêu thụ. Năm 2017, Hợp tác xã đã phối hợp với Trường Cao đẳng nghề Dân tộc nội trú Bắc Kạn mở lớp đào tạo quy trình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn Vietgap cho các xã viên và người dân trong xã. Đồng thời thực hiện xây dựng mô hình điểm sản xuất rau xanh trong nhà lưới tại thôn Nặm Dất với quy mô 1.000m2 và thu mua toàn bộ sản phẩm rau cho mô hình này.
Chị Lý Thị Ba - Giám đốc HTX nông nghiệp sạch Tân Sơn cho biết: Hiện nay các sản phẩm dưa, bí xanh của HTX đã được Liên minh HTX Việt Nam hỗ trợ xây dựng nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và hoàn toàn có thể bán được vào các siêu thị.
Cùng với đó, xã Côn Minh, huyện Na Rì là địa phương có nghề làm miến, ông Nguyễn Văn Chính, chủ cơ sở sản xuất miến dong Chính Tuyển, xã Côn Minh chia sẻ: Cùng với việc tập trung xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm miến dong Côn Minh, Cơ sở hiện đã trang bị hệ thống nhà xưởng với công suất hoạt động hơn 1 tấn miến/ngày. Nếu có thể mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, cơ sở sẽ tiếp tục đầu tư máy móc, nhà xưởng, mở rộng sản xuất, bao tiêu toàn bộ củ dong cho bà con nông dân.
Ông Quách Đăng Hiển, Giám đốc HTX nông nghiệp Đại Thành, phường Đức Xuân, TP Bắc Kạn cho biết: HTX có khoảng 10ha trồng cây ăn quả với sự tham gia của 7 hộ dân. Đối với cây cam, quýt Bắc Kạn, HTX đã áp dụng quy trình sản xuất an toàn từ khâu chọn giống đến mật độ trồng và kỹ thuật chăm sóc. Tuy vậy, việc tiêu thụ sản phẩm cam quýt phụ thuốc rất lớn vào biến động của thị trường, giá cả bấp bênh. Do đó, việc tiêu thụ sản phẩm qua các hợp đồng nguyên tắc, bao tiêu sản phẩm là mong muốn lớn của các thành viên HTX hiện nay để yên tâm sản xuất.
Với những kết quả đạt được, ông Ma Nhật Hoài- Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh nhận định: Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” hiện đã đi vào nề nếp. Nhờ sự quan tâm, vào cuộc của các cấp chính quyền, sự quyết tâm của Mặt trận Tổ quốc các cấp và sự hưởng ứng tích cực của nhân dân nên từng nội dung của cuộc vận động ngày càng được nâng cao về chất lượng.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn