Người dân Quảng Thọ thu hoạch rau má.
Dễ trồng, hiệu quả cao
Nằm ở hạ lưu sông Bồ, xã Quảng Thọ có truyền thống trồng rau màu, khoai lang và đậu lạc, song hiệu quả kinh tế thấp. Từ năm 2002 đến nay, người dân trong xã đã mạnh dạn chuyển đổi những diện tích lúa, vùng sản xuất các loại hoa màu cho hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây rau má.
Đang cắt rau, ông Nguyễn Hữu Thọ (54 tuổi, xã Quảng Thọ), cho biết: “Tôi trồng rau má 7 năm rồi. Loại cây này dễ trồng, vốn đầu tư ít, mà hiệu quả kinh tế cao, chỉ cần trồng một lần nhưng được thu hoạch nhiều năm liền. Mỗi đợt thu hoạch chỉ cách nhau chừng 20 ngày. Trung bình, mỗi sào (1 sào Trung Bộ = 500m2) cho 2-3 tạ/lứa, giá bán khoảng 5.000-6.500 đồng/kg, mỗi năm 10 lứa, như vậy mỗi sào rau má người nông dân thu 8-10 triệu đồng, cao hơn nhiều so với trồng lúa. Ngoài ra, người trồng không phải lo lắng về đầu ra của sản phẩm”.
Ông Thọ cho biết thêm, rau má khá dễ trồng, dễ chăm sóc. Sau khi làm đất, tùy từng chân ruộng có thể bón khoảng 30kg vôi/sào, phân chuồng 3 tạ/sào, 50kg phân vi sinh rồi lên luống. Bình quân mỗi tháng cắt rau một lần, sau khi cắt 4-6 ngày bón thêm 10 -15kg phân NPK và phân vi sinh/sào.
Chị Nguyễn Thị Thủy (42 tuổi), thương lái chuyên thu mua rau má, cho biết: “Hiện, rau má Quảng Thọ không chỉ “làm mưa làm gió” trên thị trường rau xanh Thừa Thiên - Huế mà còn được ưa chuộng ở Quảng Nam, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Kon Tum.... Phần lớn rau má được thương lái thu mua tận ruộng, giá tương đối ổn định, từ 6.500 - 7.000 đồng/kg”.
Nâng tầm rau má
Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, năm 2012, xã Quảng Thọ triển khai sản xuất rau má theo tiêu chuẩn VietGAP trên 100% diện tích nhằm hướng người dân sản xuất theo hướng an toàn. Đến nay, tất cả 40ha rau má của xã Quảng Thọ đều đạt tiêu chuẩn VietGAP, với hơn 300 hộ dân tham gia, tập trung ở 2 thôn Phước Yên và La Vân Thượng. Rau sau khi thu hoạch được cơ sở thu mua xử lý ô-zôn và phân phối cho thị trường.
Ngoài việc phát triển vùng sản xuất tập trung theo hướng an toàn, từ các nguồn kinh phí, HTX Quảng Thọ 2 còn tiến hành xây dựng cơ sở chế biến các sản phẩm từ rau má. Cuối năm 2014, HTXNN Quảng Thọ 2 đã đầu tư hệ thống máy móc hiện đại để sản xuất trà rau má. Điều này không chỉ giúp bà con giải quyết tình trạng tiểu thương ép giá mà còn tạo ra hướng phát triển kinh tế mới cho địa phương.
Trà rau má Quảng Thọ được người tiêu dùng đánh giá cao, mẫu mã đẹp và có lợi cho sức khỏe. Hiện, sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận nhãn hiệu tập thể, được Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cấp phép. Nhờ hướng đi mới này, không những cây rau má được “đổi đời” mà người trồng rau cũng được hưởng lợi. Bình quân mỗi hecta rau má cho thu nhập 150-200 triệu đồng.
Không chỉ vậy, để nâng cao giá trị cây rau má, HTX còn đa dạng hóa các sản phẩm để cung cấp cho thị trường như trà rau má hòa tan, nước rau má đóng chai, cao rau má... Hiện, thị trường tiêu thụ sản phẩm đã được mở rộng ở các siêu thị và khách sạn, không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu.
Từ địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo xã Quảng Thọ chỉ còn dưới 6%. Việc thành lập nhà máy sản xuất trà rau má còn góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động.
Việc phát triển sản xuất gắn với chế biến là hướng đi hiệu quả, bền vững, các địa phương cần học tập, nhân rộng cho những nông sản đặc trưng của địa phương mình.
Việt Văn/kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn