Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, đường thôn ngõ xóm được bê tông hóa.
Đổi thay rõ rệt
Những ngày này, về thôn Nguyên Xuân của xã Sơn Nguyên (huyện Sơn Hòa) ai cũng dễ dàng nhận thấy sự đổi thay rõ rệt, sự khang trang, hiện đại của vùng quê nghèo xưa.
Theo ông Nguyễn Văn Nhánh, Trưởng thôn Nguyên Xuân, đây là thôn duy nhất ở xã Sơn Nguyên có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, với 90/220 hộ. Năm 2011, khi xã Sơn Nguyên bắt đầu XDNTM, người dân trong thôn mới chỉ thu nhập trung bình ở mức 6-8 triệu đồng/người/năm. Qua 6 năm triển khai chương trình, đến nay, toàn thôn đã có 3km đường được cứng hóa, 60 hộ dân được hỗ trợ xóa nhà tạm, 11 hộ nghèo được hỗ trợ bò và kinh phí cải tạo đất sản xuất. Nhờ vậy, bộ mặt thôn ngày một thay đổi và đời sống người dân được nâng lên rõ rệt. Hiện thu nhập bình quân của người dân trong thôn đạt 23 triệu đồng/người/năm, số hộ nghèo giảm từ 90 hộ xuống còn 60 hộ.
Thời gian qua, phong trào XDNTM cũng đã giúp cuộc sống người dân ở thôn Tân Yên (xã Ea Ly, huyện Sông Hinh) ngày một nâng lên với số hộ nghèo giảm, số hộ khá - giàu tăng. Theo ông Nguyễn Sửu, Trưởng thôn Tân Yên, thôn này có 836 hộ, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 42%. Khi bắt tay XDNTM, thu nhập bình quân đầu người là 11 triệu đồng/năm, hơn 300 hộ nghèo, chiếm trên 40% tổng số dân trong thôn lúc đó. Từ năm 2013 đến nay, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền xã trong việc hoàn thành 19 tiêu chí NTM, diện mạo của Tân Yên đổi thay đáng kể.
Trên địa bàn tỉnh Phú Yên hiện có 100% đơn vị cấp huyện có xã đạt chuẩn NTM, bình quân đạt 14,14 tiêu chí/xã, cao hơn 0,45 tiêu chí/xã so với mức bình quân chung của khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ (13,69 tiêu chí/xã). |
Hiện thu nhập bình quân người dân đạt 29 triệu đồng/người/năm, số hộ nghèo ở thôn còn 22 hộ. Hệ thống đường giao thông, nội đồng được kiên cố hóa; nhà văn hóa, trường học, chợ, khu thể thao, công trình nước được nâng cấp, xây mới. Hiện ở thôn Tân Yên có 30 doanh nghiệp, 2/3 trong số đó là do các hộ dân trong xã liên kết với đối tác thành lập, còn lại là các công ty lớn tìm tới thôn hoạt động. Hơn 700 hộ có nước sạch dùng cho sinh hoạt, gần 800 hộ tham gia dịch vụ vệ sinh môi trường…
Còn tại Hòa Trị, xã điểm NTM của huyện Phú Hòa, những con đường đất trước kia đã được bê tông hóa khang trang. Ông Nguyễn Văn Mạnh ở thôn Quy Hậu phấn khởi chia sẻ: Từ khi Nhà nước triển khai Chương trình XDNTM, người dân quê tôi đã nhiệt tình hưởng ứng, nhà nhà góp tiền, người người góp công để làm đường bê tông sạch, đẹp, giúp cho việc đi lại thuận tiện.
Còn theo ông Hoàng Hải Hà ở thôn Phụng Tường, xã Hòa Trị, năm 2010, gia đình ông vẫn còn thuộc diện hộ nghèo. Nhờ được vay vốn phát triển sản xuất và chăm chỉ làm ăn nên đến nay, với 5 sào đất trồng lúa (1 sào Trung Bộ = 500m2) và hoa màu cùng đàn bò 7 con, mỗi năm, gia đình ông Hà thu nhập bình quân trên 100 triệu đồng.
Tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM ở Phú Yên, Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Tấn Việt đánh giá, chương trình này đã tạo nhiều chuyển biến đáng kể; cơ sở hạ tầng nông thôn có nhiều thay đổi, nhất là hệ thống giao thông nông thôn, trường học, các thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở...
Còn theo Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Phú Yên, những năm qua, thông qua chương trình xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn trên địa bàn tỉnh đã thay đổi tích cực từ nhiều mặt cho đến bề sâu. Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng đạt chuẩn, phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của nhân dân. Song song đó, chất lượng cuộc sống của người dân cũng được nâng lên rõ rệt. Bà con có nhiều kiến thức kinh nghiệm trong sản xuất, xây dựng được nhiều mô hình kinh tế mang lại thu nhập cao, đời sống văn hóa được cải thiện…
Tiếp tục triển khai
Người dân ở nông thôn áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất để tăng năng suất, giảm sức lao động.
Phát huy những thành quả đã đạt được, năm 2017, Phú Yên đặt mục tiêu có thêm 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Ông Nguyễn Chí Hiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho hay: Ngay từ đầu năm, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tiến hành rà soát các tiêu chí NTM, đánh giá cụ thể những kết quả đạt được, cũng như khó khăn, hạn chế của từng tiêu chí để có giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới. Năm nay, do nguồn kinh phí hạn hẹp, để chương trình không bị gián đoạn và đảm bảo tiến độ, các địa phương căn cứ tình hình thực tế để điều chỉnh kế hoạch thực hiện từ nay đến cuối năm cho phù hợp. Trong đó tập trung ưu tiên những tiêu chí cần ít kinh phí như: quy hoạch, môi trường, y tế, văn hóa, tổ chức sản xuất, hệ thống chính trị. Bên cạnh đó, các địa phương cũng chỉ đạo các tổ chức đoàn thể phối hợp tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia xây dựng NTM. Cũng theo ông Hiến, hiện việc triển khai thực hiện Chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn các huyện có xã miền núi và Chương trình bê tông hẻm phố còn chậm, do chưa bố trí được nguồn vốn để triển khai thực hiện. Vì vậy, tỉnh cũng đã chỉ đạo các ngành liên quan và các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình đã được bố trí vốn; linh hoạt sử dụng nguồn vốn của các chương trình hỗ trợ sản xuất, nguồn vốn đối ứng để hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng khi thời tiết thuận lợi. Mặt khác, các địa phương cần duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt nhằm đảm bảo lộ trình, kế hoạch xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh từ nay đến năm 2020.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Hoàng Văn Trà, tỉnh phấn đấu đến năm 2020 có 2 đơn vị cấp huyện và trên 57 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Để làm được điều này, thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục huy động nguồn vốn đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình giao thông, thủy lợi... theo hướng đa mục tiêu, góp phần phát triển nông nghiệp gắn với đảm bảo an sinh xã hội của tỉnh. Cơ cấu kinh tế ngành nông - lâm - thủy sản tiếp tục chuyển dịch, phát triển theo hướng hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cao...
Theo Anh Thi/KTNN.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn