Trong những năm qua, các cấp Hội LHPN huyện Tuy Phước đã tạo nhiều điều kiện để hội viên phụ nữ phát huy tính năng động, sáng tạo, tận dụng mọi cơ hội để phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập, từng bước nâng cao đời sống.
Riêng từ đầu năm 2017 đến nay, bên cạnh việc khai thác nhiều nguồn vốn của ngân hàng NN&PTNT, ngân hàng Chính sách xã hội và các dự án giải quyết việc làm, Hội LHPN huyện đã đẩy mạnh việc thành lập các tổ tín chấp vay vốn để mở rộng các nguồn vay vốn cho hội viên. Các cấp hội đã tín chấp cho phụ nữ vay phát triển kinh tế trên 24,3 tỉ đồng với 1.555 lượt chị được vay, nâng tổng số vốn hội quản lý lên gần 156 tỉ đồng và 7.262 lượt chị vay.
|
Một cơ sở đan ghế nhựa giải quyết việc làm cho nhiều hội viên phụ nữ ở xã Phước Thắng. |
Bên cạnh đó, Hội đã vận động chị em có điều kiện giúp đỡ chị em có hoàn cảnh khó khăn vay mượn với lãi suất thấp; đã có 1.258 lượt chị vay gần 3 tỉ đồng từ chủ trương giúp nhau này.
Ngoài ra, để giúp hội viên vay vốn, sử dụng vốn có hiệu quả, Hội đã vận động hội viên thực hiện tốt chủ chương chuyển đổi mùa vụ, cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi và thực hiện chuyển từ 3 vụ lúa bấp bênh sang 2 vụ ăn chắc. Hội cũng đã phối hợp với Trung tâm Khuyến ngư tỉnh tổ chức các lớp tập huấn về chế biến thủy sản; phối hợp với Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên huyện tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao KHKT về trồng trọt, chăn nuôi và quản lý vốn cho gần 250 lượt hội viên.
Đặc biệt, trước thực trạng đời sống, thu nhập của phụ nữ nông thôn còn thấp, nhất là số chị em chưa có điều kiện lao động tại các KCN, Hội LHPN các xã, thị trấn đã liên hệ với các công ty, xí nghiệp hợp đồng nhận hàng để giải quyết việc làm lúc nhàn rỗi cho chị em. Kết quả, trong 6 tháng đầu năm 2017, Hội đã tạo nhiều việc làm như đan giỏ sách, ghế nhựa, bóc hạt điều… cho gần 340 hội viên phụ nữ nghèo và phụ nữ khuyết tật, có mức thu nhập từ 500 ngàn đồng đến 6 triệu đồng/ tháng.
Từ phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, nhiều điển hình phụ nữ làm ăn giỏi đã xuất hiện. Như trường hợp chị Cao Thị Lành (ở thôn An Hòa 1, xã Phước An) trước đây thuộc diện hộ nghèo, được Hội Phụ nữ cho vay 30 triệu đồng mở xưởng đan ghế nhựa xuất khẩu, đến nay thu nhập của gia đình chị đạt khoảng 12 triệu đồng/tháng; đồng thời, gia đình chị còn tạo việc làm cho 34 lao động ở địa phương, với mức lương từ 3 - 4 triệu đồng/người/tháng. Chị Nguyễn Thị Tuyết Nga (ở thôn Khuông Bình, xã Phước Thắng) được vay vốn nuôi bò lai; đến nay chị đã trả hết nợ, đàn bò lai của gia đình có được 6 con.
Theo Xuân Vinh/Bình Định.vn