Ông Trần Văn Hành (dân tộc Sán Dìu) ở thôn Chão Cũ, xã Giáp Sơn (Lục Ngạn, Bắc Giang) là người có biệt tài “ép” vải thiều ra quả ở thân cây. Nhờ ý tưởng độc đáo này, hàng năm gia đình ông có thu nhập hàng trăm triệu đồng đến hàng tỉ đồng.
Người dân nơi đây vẫn quen gọi ông là “phù thuỷ” đất vải thiều, bởi sản lượng, mẫu mã của loại vải thiều này được đánh giá cao hơn so với vải thiều truyền thống. Theo ông Hành, việc cho vải ra quả từ thân mang lại những hiệu quả về kinh tế, thu hái nhanh, bớt đi một nửa nhân công trong những ngày cao điểm, giá cao và ổn định.
Ông Hành kiểm tra chất lượng vải thiều tại vườn của gia đình.
Câu chuyện về ép vải ra quả từ thân được bắt đầu vào năm 2012 trong một lần tình cờ thấy cây vải giao tán vào nhau tạo nhiều khoảng râm, ông đã bấm bớt cành nhỏ đầu tán để vườn có nhiều ánh sáng. Không ngờ sau đó, rất nhiều nhánh lộc mọc ra từ thân cây, hoa chi chít. Năm đầu tiên ông quan sát và thấy quả ra từ thân chất lượng ngon hơn, hình thức đẹp hơn quả ở cành.
Từ đó đến nay, gia đình ông Hành liên tục mở rộng diện tích và có thu nhập “khủng” từ bí quyết trồng vải thiều độc đáo này.
Các chùm vải ra ở thân cây luôn cho quả đẹp và chất lượng ngon, ngọt nhất có thể.
Đường cổng vào nhà ông Hành tràn ngập vải thiều sai trĩu quả.
Theo ông Hành, việc cho vải ra ở thân giúp các chùm quả phân bố đều khắp cây tránh việc ra nhiều ở ngọn hay bị gẫy, đổ.
Các quả ra từ những lộc thân cây thường to mọng, mã quả đỏ và sáng bắt mắt hơn vải trồng truyền thống.
Ngoài việc trồng vải, gia đình ông Hành còn nuôi một số con đặc sản như chim trĩ, gà rừng...
Nhờ thành tích trong việc sản xuất, ông Hành được các cơ quan Trung ương và địa phương trao tặng nhiều giấy khen, bằng khen...
Theo Đăng Quang/Báo TTV.vn