Căn biệt thự "hoành tráng" mà nhiều người ví không kém gì biệt phủ của các đại gia thành phố được ông Đặng Văn Nám xây dựng từ nguồn thu nhập trồng bưởi. Ảnh: Minh Giang/Dantri.
Hơn 10 năm gắn bó với cây bưởi năm roi, nhưng với sự nhạy bén, đón đầu thị trường, ông Nám nhận ra rằng, giống bưởi da xanh sẽ là đặc sản trong tương lai và có giá trị kinh tế cao. Vì thế, năm 2011, ông đã mạnh dạn đốn bỏ vườn bưởi năm roi để chuyển sang trồng bưởi da xanh. Nhờ quyết định đúng đắn, hiện nay ông Nám đã có trên 3 hecta trồng bưởi da xanh, lợi nhuận thu về mỗi năm cả tỷ đồng.
Từ năm 2011, ông Đặng Văn Nám đã nhạy bén, mạnh dạn chặt bở giống bưởi Năm roi để thay thế bằng giống bưởi da xanh cho giá trị cao hơn. Ảnh: Đoan Trang/THST.
Ông Phạm Chí Nguyện, Phó chủ tịch Hội nông dân Tỉnh Sóc Trăng, cho biết: "Với sự đột phá trong cách nghĩ, cách làm nên anh Nám đã chuyển sang bưởi da xanh thì thu nhập rất là cao, có thể nói anh là một trong những nhà nông tỷ phú điển hình ở Sóc Trăng. Anh Nám được tôn vinh và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2015".
Kế Sách được biết đến là vùng đất của nhiều loại cây ăn trái, ngoài các loại trái đặc sản, như: sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, vú sữa... thì bưởi Năm roi, bưởi da xanh khá nổi tiếng trong, ngoài tỉnh và được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cấp chứng nhận “Sản phẩm tiêu biểu” do người tiêu dùng bình chọn.
Trở lại thăm HTX Bưởi Năm roi, da xanh Kế Thành do ông Đặng Văn Nám làm Giám đốc , chúng tôi nhận thấy, khu vườn bưởi đang độ cho trái sung sức (cây trên 5 năm tuổi), từng nhánh chi chít trái, chen nhau phơi mình đón những đợt mưa giữa mùa. Đang ngắm nhìn từng quả bưởi trên cành, Giám đốc HTX Bưởi Năm roi, da xanh Kế Thành Đặng Văn Nám nhanh tay hái từng trái bưởi non đậu chen nhau chung một chùm lớn, cảm thấy tiếc nuối nên tôi đặt câu hỏi và được ông Nám thông tin: “Một chùm bưởi chỉ nên để nhiều nhất khoảng 3 trái nhằm đảm bảo trái lớn đồng đều. Chứ nếu tiếc không hái bỏ bớt, sẽ dẫn đến cả chùm bưởi mỗi trái đều nhỏ không đạt chuẩn, khi thu hoạch thương lái sẽ dạt bỏ”.
Ông Đặng Văn Nám không chỉ nhạy bén với tín hiệu thị trường mà còn nắm vững những kỹ thuật canh tác cây có múi bền vững. Ảnh: Minh Giang/Dantri.
Theo thông tin từ ông Đặng Văn Nám, diện tích bưởi toàn HTX hiện nay là 28,7ha; trong đó cây bưởi da xanh là 24ha, còn lại là bưởi Năm roi. Phần diện tích bưởi Năm roi bị thu hẹp dần do lợi nhuận khá thấp nên thành viên đã chuyển đổi trồng bưởi da xanh. Hiện tại, số bưởi da xanh đều trên 5 năm tuổi và đang độ cho trái sung sức, bình quân 1ha thu hoạch ước đạt 6 tấn - 6,5 tấn, trừ hết các khoản chi phí lợi nhuận hơn 2 tỉ đồng.
Trong vấn đề chăm sóc, đối với cây bưởi da xanh thì việc chăm sóc không hề đơn giản; theo đó, nhà vườn phải thực sự am hiểu kỹ thuật trồng mới thành công, do bưởi thường có nhiều loại sâu hại tấn công, không phát hiện kịp thời và xử lý đúng lúc sẽ gây hại cả vườn. Mặc dù khó canh tác, nhưng bưởi da xanh đem về thu nhập khá, thương lái mua giá bình quân 50.000 đồng - 55.000 đồng/kg, mức giá trên đảm bảo lợi nhuận cho thành viên sống sung túc sau mỗi đợt thu hoạch.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Văn Nám phấn khởi thông tin thêm: “HTX thành lập 12 năm qua. Ban đầu các thành viên có hoàn cảnh khó khăn, còn hiện tại đã có của ăn của để, nhà cửa khang trang, nhiều thành viên còn sắm cả xe hơi”. Chia sẻ về cơ ngơi “hoành tráng” của gia đình mình, ông Đặng Văn Nám hồ hởi: “Ngôi nhà tôi xây được là nhờ vào tiền bán bưởi, sau bao năm vất vả gắn bó, cây bưởi đã đem lại “quả ngọt” cho tôi bằng năng suất, chất lượng, không phụ lòng người chăm bón”.
Theo ông Nám, mỗi chùm bưởi da xanh chỉ nên để lại 3 quả trở xuống để quả bưởi phát triển tốt về kích cỡ và chất lượng. Ảnh: Thúy Liễu.
Qua tìm hiểu được biết, bưởi của các thành viên HTX Bưởi Năm roi, da xanh Kế Thành luôn được thương lái tranh nhau mua, bởi nó được sản xuất theo quy trình GlobalGAP, VietGAP. Trước đây, bưởi được cung ứng cho công ty trong nước xuất khẩu sang thị trường Hà Lan và một số siêu thị lớn tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, còn hiện tại, bưởi được các thành viên bán cho thương lái bên ngoài, ai mua cao giá hơn sẽ cung ứng, chứ không phụ thuộc vào hợp đồng hay một lái mua ổn định, nhằm tránh tình trạng lái ép giá.
Giám đốc HTX Đặng Văn Nám cho biết thêm: “Bưởi Năm roi, da xanh được thị trường trong Nam, ngoài Bắc rất ưa chuộng nên không lo đầu ra cho sản phẩm. Ngoài ra, chúng tôi muốn quảng bá sản phẩm thông qua các thương lái bằng cách bán cho nhiều thương lái ở các tỉnh, thành khác nhau để họ mang bưởi đến địa phương khác cung cấp ra thị trường, người tiêu dùng ăn bưởi ngon sẽ hỏi nguồn gốc và từ đó “tiếng vang” bưởi da xanh được “ngân” xa và được nhiều người biết tới”.
Ông Nám cho biết, trận đại hạn mặn hoành hành ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đầu năm 2016 khiến sản lượng bưởi của gia đình ông và nhiều hộ trong Hợp tác xã giảm tới 2/3, nhưng may mắn giá bán bưởi Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 rất cao và gia đình bảo vệ được như toàn bộ số gốc bưởi da xanh. Ảnh: Chúc Ly/Danviet.
Chia sẻ với chúng tôi về cái khó hiện tại và mong muốn của HTX, ông Đặng Văn Nám cho biết: “Cái khó của chúng tôi là chưa có trụ sở hoạt động, không có trang thiết bị sơ chế ban đầu để phục vụ việc xuất khẩu bưởi đi các nước cũng như đưa tới các siêu thị lớn. Do vậy, mong muốn của HTX là được Nhà nước hỗ trợ xây dựng trụ sở, hỗ trợ một số trang thiết bị cần thiết trong khâu đóng gói bưởi, nhằm đưa mặt hàng bưởi da xanh Kế Thành đến với nhiều người tiêu dùng trên cả nước”.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn