Ông Phạm Thanh Hải, Chủ tịch UBND huyện Phước Long |
Phước Long được biết đến là một trong những huyện nông thôn vùng sâu của Bạc Liêu. Trong 2 cuộc kháng chiến của đất nước, nơi đây được xem là căn cứ địa cách mạng vững chắc của tỉnh và quân khu. Hồi ấy, huyện bị tàn phá hết sức nặng nề, biết bao con người đã hy sinh trên mảnh đất Phước Long. Từ thế hệ này nối tiếp thế hệ khác, nhân dân Phước Long vẫn kiên trì chống địch, bảo vệ từng tấc đất quê hương.
Sau hơn 20 năm vươn mình phát triển, Phước Long đã thay đổi hoàn toàn. Khi về lại Phước Long, điều cảm nhận được là huyện đang khoác lên mình một tấm áo mới. Sự thay đổi rõ rệt nhất là sau khi huyện thực hiện phong trào xây dựng NTM, từ cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm, cảnh quan đô thị, môi trường, thiết chế văn hóa, đời sống vật chất, tinh thần của người dân... đều khác trước.
Ông Nguyễn Văn Quít (50 tuổi, ngụ ấp Phước Thạnh, xã Phước Long) phấn khởi nói, sau khi được chính quyền tuyên truyền, vận động xây dựng NTM, gia đình hưởng ứng làm theo, không ngần ngại hiến 200m2 đất trị giá hàng chục triệu đồng để làm đường.
Ngoài ra, gia đình ông còn tham gia đóng góp đầy đủ vào các phong trào xã phát động, riêng bản thân ông hiến kế, đóng góp nhiều ngày công lao động xây dựng cầu, đường ở địa phương.
Ông Lê Hoàng Ân, Chủ tịch UBND, kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng NTM xã Hưng Phú cho biết, là một trong những xã tiêu biểu, được công nhận đạt chuẩn từ năm 2015, cái được lớn nhất qua thực hiện phong trào xây dựng NTM là tinh thần đoàn kết, thống nhất cao của tập thể, Đảng bộ, sự đồng thuận của nhân dân.
Tiêu biểu là phong trào hiến đất, vật tư, ngày công lao động xây dựng cầu, đường; phong trào giúp nhau phát triển kinh tế gia đình; đóng góp quỹ an sinh xã hội; đào tạo nghề, giải quyết việc làm…
Qua phong trào giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, kinh tế xã ngày càng phát triển, thu nhập bình quân đầu người năm 2010 là hơn 29 triệu đồng đồng thì đến thời điểm hiện tại tang lên 38,5 triệu đồng; số hộ nghèo giảm nhanh và bền vững, từ 17% hiện nay còn dưới 4%.
Ông Phạm Thanh Hải, Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện Phước Long chia sẻ, trong quá trình xây dựng NTM huyện gặp rất nhiều khó khăn vì phần lớn các xã đều có điểm xuất phát thấp, công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ xây dựng NTM còn hạn chế… Dù vậy, ông Hải tin rằng có khó đến đâu đi nữa, nếu được dân tin tưởng, dân ủng hộ, thì cũng làm xong.
Bên cạnh đó, để thực hiện có hiệu quả chương trình, huyện đã tăng cường chỉ đạo nhân dân đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, thực hiện tốt các mô hình sản xuất kết hợp bền vững, cho hiệu quả kinh tế cao trên cả 2 vùng sản xuất, nhất là mô hình lúa - màu, lúa - cá, lúa - tôm, tôm - cá, tôm - cua; phát triển đàn gia súc, gia cầm và chăn nuôi động vật hoang dã có giá trị kinh tế cao.
Đặc biệt, đến nay huyện đã xây dựng được 31 cánh đồng mẫu lớn, tổng diện tích gần 2.200 ha và vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao.
Ông Hải phấn khởi cho biết, sau hơn 6 năm triển khai xây dựng NTM, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện đã không ngừng phấn đấu, khắc phục khó khăn, chủ động sáng tạo, điều hành linh hoạt, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu khó khăn, gánh chịu trách nhiệm, tập trung chỉ đạo thực hiện tốt 19 tiêu chí xây dựng NTM.
Phước Long có 8 đơn vị hành chính (7 xã và 1 thị trấn), với gần 30.000 hộ, gần 123.000 khẩu, đa phần người dân sống bằng nghề nông. Năm 2010, Phước Long vinh dự được BCĐ Trung ương Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM chọn là 1 trong 5 huyện chỉ đạo điểm của cả nước về xây dựng NTM giai đoạn 2010 – 2015.
Đến nay, 7/7 xã đạt 19/19 tiêu chí và đã được UBND tỉnh Bạc Liêu công nhận xã NTM, với tổng kinh phí huy động thực hiện chương trình hơn 870 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp hơn 30 tỷ đồng.
Theo Trọng Linh/Báo Nông Nghiệp.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn