Ông Khanh thu hoạch cá lóc trong bùn bán cho thương lái
Đến nay, ông đã có 6 hồ nuôi cá lóc, trong đó có 5 hồ xi măng, lót bạt, diện tích trung bình là 15 m2/hồ, tường tráng xi măng rồi trải bạt đổ nước khoảng 50 - 80 cm, tùy vào thời tiết để giúp cá lóc giống phát triển ổn định. Người nuôi cá với diện tích nhỏ sẽ tránh được tác động xấu khi thời tiết thay đổi, hạn chế khả năng hao hụt; đồng thời, khi xuất bán tránh động nước hoặc gây bỏ ăn cho nhiều đàn cá còn lại khi nuôi số lượng lớn. Mỗi vụ cá, ông Khanh thả khoảng 2.500 con giống/hồ, tỷ lệ sống sau 1 tháng khoảng 50 - 70%.
Theo kinh nghiệm của ông, cá lóc giống từ khi mua về đến khi 1 tháng tuổi thường dễ bị bệnh và chết, thời điểm này, rất khó tìm ra nguyên nhân vì cá còn quá nhỏ. Ông Khanh nói: “Phải đến hơn 1 tháng, cá lớn hơn, tôi mới biết các bệnh thường xuyên của cá như đường ruột, nấm mang…”. Lúc đó, ông mới tìm đến các vùng chuyên nuôi cá để học hỏi phòng bệnh và mỗi ngày ông thay nước trung bình 2 lần ở các hồ.
Với việc nuôi song song cá lóc trong bùn và cá lóc giống trong bể xi măng, ông nhận thấy, đối với nuôi cá trong bùn thường bất lợi hơn, cá nổi bùn nhanh chết và bị nấm.
Hiện ông Khanh cho cá lóc ăn bằng nguồn cá biển tươi, theo ông, cá lóc là loài cá dữ, ăn tạp, có sức sống cao, khả năng chịu đựng tốt với sự thay đổi môi trường, nên cá thường ăn rất nhiều, càng nuôi lớn thì khả năng ăn càng tốt. Trung bình đối với cá 3 - 4 tháng tuổi, cho ăn 150.000 - 200.000 đồng cá biển mỗi ngày, các buổi sáng cho ăn xen kẽ với bột chuyên dụng nuôi cá lóc.
Sau 4 - 5 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng 700 g đến 1 kg/con, giá bán khoảng 50.000 đồng/kg, trung bình mỗi năm ông Khanh bán hơn 2 tấn cá, thu nhập bình quân hơn 50 triệu/năm. Với việc đầu tư nuôi cá, gia đình ông Khanh vươn lên làm giàu, cải thiện kinh tế gia đình so với việc làm thuê và làm ruộng ở vùng nông thôn.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn