Hàng ngày, cứ tầm 3 giờ sáng, vợ chồng chị Khương cùng cô con gái thức dậy đi thu hoạch giá. Vì gia đình không có đất nên chị Khương phải mượn những vạt đất không sử dụng của những gia đình gần đấy để sản xuất. Sau khi nhổ giá về, chị Khương rửa sạch đất và đưa đến bỏ mối cho những người bán buôn, các quán ăn hoặc bán lẻ ở chợ. Trong lúc chị Khương đưa sản phẩm đi tiêu thụ thì chồng và con gái thực hiện công đoạn ngâm hạt đỗ xanh. Đến chiều, chị lại tất bật làm đất, ủ số hạt đỗ vừa ngâm lúc sáng và tiếp tục thu hoạch giá để bán cho một số khách hàng có nhu cầu mua buổi chiều. Chị Khương tâm sự: “Nghề làm giá gối đầu ngày này sang ngày khác nên rất bận bịu. Đến nỗi, gia đình có việc trọng đại cũng không thể ngưng việc làm giá vì vốn liếng đã đổ xuống đất, đến giờ phải thu hoạch, nếu hoãn lại giá sẽ hỏng”.
Quá trình sản xuất giá sạch của chị Khương. Ảnh: P.N |
Mỗi ngày, chị Khương ủ 10kg đỗ xanh và thu hoạch được 70kg giá. Với giá bán hiện nay, sau khi trừ hết chi phí, số tiền lãi gia đình chị Khương thu được hơn 200 nghìn đồng/ngày. Chị Khương chia sẻ, quan trọng nhất của việc làm giá là phải chọn mua giống đỗ xanh chất lượng cao, hạt nhỏ, đều, chắc, tỷ lệ nảy mầm cao. Sau khi ngâm đỗ xanh được 8 - 10 tiếng (mùa đông ngâm trong nước ấm), chị đem ủ xuống đất. Trước đó, chị đã xới cho đất tơi thành từng ô với độ sâu khoảng 30cm rồi tưới nước tạo độ ẩm. Sau khi rải đều một lớp đỗ xanh dày trên mặt đất, chị lấp một lớp đất dày khoảng 10cm, rồi phủ bạt hoặc lá cây lên trên. Mỗi ngày chị tưới 1 lần vào buổi chiều để giữ ẩm. Sau 3 đêm 2 ngày thì chị thu hoạch giá. “Để đảm bảo giá đỗ không hư hỏng, chỗ đất nào đã ủ giá 1 lần thì phải cho nghỉ 6 - 8 tháng mới sử dụng lại. Mục đích là để những cọng giá hay mầm đỗ còn sót lại sau khi thu hoạch giá bị phân hủy hết, đảm bảo cho đất sạch” - chị Khương nói.
Được biết, gia đình chị Khương sản xuất giá đỗ được 19 năm nay và là cơ sở sản xuất giá đỗ sạch, uy tín, được nhiều người tin cậy. Chị Khương cho hay, so với làm giá đỗ bằng thùng xốp, làm giá đỗ bằng đất vất vả và tốn công hơn nhiều nhưng chị vẫn duy trì hình thức này vì đây là nghề truyền thống của gia đình. “Trong lúc nhiều người ham lợi nhuận, sử dụng thuốc không được cho phép để làm giá thì tôi càng muốn duy trì và phát triển nghề sản xuất giá bằng đất của mình để bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng” - chị Khương chia sẻ.
Lâu nay, vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm trong việc làm giá đỗ là câu chuyện được nhiều bà nội trợ quan tâm. Bởi vì lợi nhuận, nhiều người bỏ cách làm giá đỗ truyền thống. Ngày 18.10 vừa qua, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh đã phát hiện cơ sở sản xuất giá đỗ của ông Đỗ Quang Sỹ (thôn Hạ Thanh 1, xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ) sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc để sản xuất giá đỗ. Cơ quan chức năng khuyến cáo, để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình, người mua hàng cần phân biệt giá đỗ sạch với giá đỗ ngâm hóa chất. Giá đỗ sạch sợi dài và nhiều rễ; có phần lá mở ra hoặc nhìn từ ngoài sẽ thấy mầm lá nhú màu vàng hoặc màu xanh. Còn giá đỗ ngâm hóa chất có 2 hạt mầm đóng chặt, sợi mập và thường có rễ ngắn...
Tác giả bài viết: PHƯƠNG NAM
Nguồn tin: baoquangnam.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn