Chứng nhận nhóm
Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, Hội Thủy sản Trà Vinh vừa tổ chức buổi lễ nhận giấy chứng nhận GlobalGAP cho nhóm 4 hộ nuôi cá tra trên địa bàn tỉnh. Đây là nhóm những hộ nuôi cá tra quy mô nhỏ đầu tiên ở Việt Nam nhận chứng chỉ GlobalGAP.
Ông Trương Thế Vân – Phó Chủ tịch Hội Thủy sản Trà Vinh cho biết, hành trình lấy giấy chứng nhận GlobalGAP rất khó khăn. Ban đầu Hội lựa chọn được 33 hộ nuôi tham gia chương trình, nhưng trong quá trình thực hiện, các hộ cứ “rơi rụng” dần đến khi chương trình kết thúc chỉ còn có 4 hộ nuôi đạt được chứng nhận với tổng diện tích hơn 1ha.
Ông Vân cho biết thêm, yêu cầu của thị trường quốc tế ngày càng cao. Các nước đều yêu cầu sản phẩm cá nuôi phải truy xuất được nguồn gốc, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phát triển bền vững về môi trường, xã hội… Việt Nam lại sắp ký kết hiệp định thương mại với EU, các nước châu Á, rồi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các doanh nghiệp nước ngoài sẽ ồ ạt vào Việt Nam.
“Nếu các nông hộ không liên kết lại để sản suất với quy mô lớn, lấy các chứng nhận quốc tế thì nông sản của chúng ta không những không thể xuất khẩu ra nước ngoài mà còn có nguy cơ bị chết ngay trên sân nhà” – ông Vân phân tích.
Chính vì thế, trong bối cảnh đặc thù sản xuất của nước ta với quy mô nhỏ, nguồn lực tài chính hạn hẹp thì chứng nhận nhóm được xem như là một mô hình mới, một giải pháp hữu hiệu giúp hộ nuôi nhỏ tiến tới thực hiện nuôi trồng thủy sản bền vững, đạt các chứng nhận nuôi trồng thủy sản quốc tế.
“Chi phí đánh giá chứng nhận quá cao, hơn 200 triệu đồng/lần, vượt quá khả năng của chúng tôi. Nên khi mấy anh em cùng hợp lại làm, chia nhau chi phí chứng nhận rồi tái chứng nhận những năm sau này thì rất đỡ. Bởi khi đạt được chứng nhận này, thị trường đầu ra sẽ được đảm bảo hơn, con cá tra do chúng tôi làm ra có “trọng lượng”, có tiếng tăm hơn.
Sau khi đạt chứng nhận, cũng có vài doanh nghiệp đánh tiếng thu mua với giá cao hơn thị trường 1.000 đồng/kg làm chúng tôi cũng vui hơn” - ông Giảng Văn Bảy, một trong 4 hộ nuôi đạt chứng nhận phấn khởi cho biết.
Doanh nghiệp hỗ trợ nông dân làm nhóm
Không chỉ nông hộ thay đổi nhận thức và cách thức sản xuất, các doanh nghiệp, địa phương cũng có chương trình trợ lực cho nông dân. Chẳng hạn ở ĐBSCL đang đẩy mạnh chương trình sản xuất cánh đồng lúa lớn, liên kết 4 nhà trong sản xuất mà đi đầu là Công ty CP Thuốc bảo vệ thực vật An Giang.
Ông Phạm Văn Dư - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết đến nay, Công ty CP thuốc bảo vệ thực vật An Giang đã thực hiện cánh đồng lớn với diện tích trên 70.000ha ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An, Cần Thơ…Ở mỗi cánh đồng, nông dân liên kết với nhau thành tổ hợp tác, HTX, sản xuất một loại giống nhất định theo đơn đặt hàng và quy trình kỹ thuật, vật tư doanh nghiệp đưa xuống.
Đến vụ thu hoạch, doanh nghiệp bao tiêu mua hết lúa với giá cao hơn thị trường từ 10 – 20%. Công ty CP Thuốc bảo vệ thực vật An Giang cũng đang tiến hành xây dựng lấy tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP cho nông dân ở các cánh đồng lớn.
Tương tự Công ty FrieslandCampina (FCV) cũng đang đi đầu trong việc tác động người nuôi bò sữa liên kết lại trong sản xuất. Đến nay FCV giúp hình thành hơn 100 nhóm và 7 tổ hợp tác tự quản với hơn 1.000 hộ nuôi trên cả nước, trong đó ở TP.HCM chiếm 75%.
FCV còn kết nối các công ty bán thức ăn chăn nuôi bò sữa, giúp các nhóm, tổ mua trực tiếp từ nhà máy với giá thấp hơn 5%. FCV cũng giúp nông dân kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi của từng lô hàng, đảm bảo nguồn sữa tươi đạt chất lượng như yêu cầu, hỗ trợ các nhóm tổ lắp đặt bồn lạnh giúp nâng cao chất lượng sữa…
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn