Không ngại học tập kỹ thuật mới
Huyện Củ Chi (TP.HCM) nhiều năm nay đang phát triển rất mạnh mô hình trồng hoa lan. Là một nghề khá mới so với truyền thống nông nghiệp của cha ông từ xưa nay, bà con nông dân Củ Chi phải liên tục trau dồi kiến thức để thích ứng với lao động nông nghiệp kiểu mới hiện nay.
Đầu tháng 7 vừa qua, hay tin Hội Nông dân xã An Nhơn Tây (huyện Củ Chi, TP.HCM) kết hợp với Trung tâm Dạy nghề nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) tổ chức khóa học sơ cấp nghề “Kỹ thuật trồng và vi nhân giống hoa ứng dụng CNC”, chị Nguyễn Thị Ngọc Sương đã nhanh tay đăng ký.
Nông dân tại TP.HCM được học nghề trồng giống lan công nghệ cao. Ảnh: Thuận Hải |
Theo đánh giá của Chi cục Phát triển nông thôn TP.HCM, đã có nhiều mô hình NNCNC có hiệu quả được nông dân, người lao động sau học nghề triển khai hiệu quả, ví dụ như các mô hình trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP, các học viên sau khi học xong đã phát triển sản xuất theo định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn. |
Chị Sương cho biết, vốn yêu thích nông nghiệp từ nhỏ, tuy nhiên, khi chuyển sang trồng hoa và nhân giống, chị gần như “tay trắng” về kiến thức, kỹ thuật. Ngoài việc học hỏi từ các nhà vườn đi trước chị cũng tự học trên mạng, qua báo đài.
“Cho đến khi tôi tham gia một khóa học sơ cấp về nhân giống hoa, bản thân mới có được những kiến thức nền tảng, vững chắc về nghề mình đang làm” - chị Sương nói.
Chị Võ Thanh Thúy (cùng ngụ xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi) vốn là một điều dưỡng nhưng lại mê nghề trồng lan. Khởi đầu từ sở thích đam mê ngắm hoa lan, dần dần chị Thúy mong muốn có riêng một vườn lan nên bắt tay vào trồng.
“Lúc đầu, tôi đi học hỏi kinh nghiệm khắp các vườn lan ở Củ Chi và may mắn được Trạm Khuyến nông huyện Củ Chi mời học kỹ thuật trồng lan. Tại đây, tôi được chọn làm mô hình trình diễn với sự hỗ trợ 4.000 cây lan Mokara giống. Xác định đây là cơ hội thỏa chí đam mê và có thể vươn lên làm giàu, tôi mạnh dạn mượn cha mẹ một số vốn để xây dựng vườn lan 1.000m2, với quy mô hơn 4.000 cây” - chị Thúy chia sẻ.
Đến nay, sau hơn 5 năm trồng và chăm sóc, vườn lan của chị Thúy đã được nhân rộng gấp đôi so với ban đầu. Chị cũng đã đầu tư được hệ thống máy tưới phun sương để thuận tiện cho việc chăm sóc vườn.
Bà Hồ Thanh Hương - Chủ tịch Hội Nông dân xã An Nhơn Tây cho biết, những khoá học dành cho nông dân thật sự có ý nghĩa trong tình hình nông nghiệp công nghệ cao đang ngày càng phát triển, nông dân lại ít có điều kiện tiếp cận với nhiều nguồn kiến thức bài bản. Sau khóa học, các học viên được hướng dẫn vận dụng vào thực tế sản xuất tại gia đình, đặc biệt là góp phần vào việc phát triển Tổ hợp tác hoa kiểng An Nhơn Tây.
Dạy nghề phải gắn với thực tiễn
Theo kế hoạch, năm 2019 TP.HCM sẽ đào tạo nghề cho 10.500 lao động nông thôn, trong đó 2.487 người học nghề nông nghiệp và 8.013 người học nghề phi nông nghiệp. Nhờ đó số lượng lao động được đào tạo nghề đã chiếm 78% tổng số lao động nông nghiệp ngoại thành và vùng ven. Tuy nhiên, số lượng lao động có trình độ tay nghề từ trung cấp trở lên chỉ chiếm khoảng 7%.
Ông Trần Ngọc Hổ - Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM cho biết, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, sở cùng các địa phương tổ chức khảo sát về dự báo nhu cầu đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động trên địa bàn thành phố. Từ đó có giải pháp điều chỉnh, bổ sung, tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng và tỷ lệ lao động qua đào tạo.
Cũng theo ông Hổ, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong ba giải pháp cho việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp của TP.HCM hiện nay.
Theo đó, bên cạnh đầu tư đào tạo dài hạn (trình độ thạc sĩ, tiến sĩ) và ngắn hạn cho cán bộ trẻ có năng lực học tập và nghiên cứu về ứng dụng CNC trong nông trại các viện, trường trong nước và các nước có trình độ khoa học công nghệ phát triển, thành phố sẽ đẩy mạnh đào tạo nâng cao kỹ thuật, kỹ năng sử dụng vận hành công nghệ và làm chủ công nghệ trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; cập nhật thông tin kiến thức về tiến bộ khoa học công nghệ trong lĩnh vực NNCNC cho cán bộ quản lý khoa học và công nghệ, người lao động của các doanh nghiệp, người quản lý, kỹ thuật viên hợp tác xã, tổ hợp tác…
“Mục tiêu của sở cũng chú trọng công tác đào tạo tay nghề ngắn hạn và thường xuyên cho nông dân để tham gia thực hiện sản xuất ứng dụng NNCNC, tổ chức lớp bồi dưỡng, tập huấn cho các doanh nghiệp, nông dân về kiến thức CNC trong sản xuất, tiêu thụ, xây dựng thương hiệu, khuyến khích triển khai các hoạt động ươm tạo doanh nghiệp NNCNC”- ông Hổ cho biết.
http://danviet.vn/nha-nong/tphcm-hang-nghin-nong-dan-di-hoc-lam-nong-nghiep-1001812.html
Theo Hải Nguyên/danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn