Tham quan mô hình trồng thanh long ruột đỏ của ông Kỷ (người đàu tiên bên phải).
Sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Địa chất, ông Kỷ tham gia sản xuất nông nghiệp tại quê hương. Năm 1998, ông nhận thầu đất của Nông trường Đồng Giao để trồng dứa, mía, cam, vải... Ông trồng tới 5ha cam, 5ha vải thiều và nuôi 70-80 con bò nái, tuy nhiên hiệu quả kinh tế mang lại không cao, 5ha cam thất bại hoàn toàn, còn các loại cây - con khác có cho thu hoạch nhưng năng suất, chất lượng thấp. Do đó, ông đã từng bước xây dựng mô hình mới: chăn nuôi, trồng trọt, thả cá.
Mặc dù gặp nhiều bất lợi trong sản xuất nhưng ông Kỷ vẫn nuôi quyết tâm theo đuổi mô hình kinh tế đồi rừng để xóa đói giảm nghèo. Nghĩ là làm, năm 2010, ông xây dựng lại mô hình kinh tế trang trại trên diện tích đất cũ hợp đồng dài hạn với Nông trường Đồng Giao. Theo đó, ông quy hoạch chuồng trại nuôi lợn rừng, lợn nái và lợn thịt. Ông tin tưởng vào lựa chọn của mình vì “lợn rừng là giống lợn sạch, đầu ra đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, tại địa phương lại chưa có mô hình nào”. Ông vào tận Bà Rịa - Vũng Tàu mua 15 con lợn nái và 1 tấn lợn con nuôi thịt, khi về chăn thả 15 lợn nái phát triển tốt, còn lợn con chết gần hết do dịch bệnh, bản thân ông lại chưa nắm vững kỹ thuật nuôi thả. Tuy nhiên, “thắng không kiêu, bại không nản”, ông vẫn quyết tâm nuôi giữ đàn lợn mẹ, đến nay đã gây được 150 đầu lợn nái, mỗi năm đẻ 2 lứa được khoảng 1.500 lợn con, đẻ đến đâu ông nuôi đến đấy, được 25kg/con trở lên thì xuất chuồng. Hàng năm trang trại của ông cung cấp ra thị trường trên dưới 20 tấn lợn thịt với giá bình quân 120.000 đồng/kg, trừ chi phí, ông thu lợi nhuận 500-600 triệu đồng.
Bên cạnh mô hình nuôi lợn, ông Kỷ còn đầu tư trồng hồng không hạt - loại cây dễ trồng, phù hợp với thổ nhưỡng và chi phí thấp. Với 1.000 cây trên 2ha đất, sau 5 năm đã cho thu hoạch 50 triệu đồng/ha/năm. Ngoài ra, ông còn có 500 cây bưởi Diễn đã cho thu hoạch năm thứ 7 (năm 2015 dự kiến thu được 200 triệu đồng từ bưởi) và phát triển thêm 3ha trồng mới với 1.500 cây sẽ cho thu hoạch vào năm tới.
Năm 2011, ông được UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT Ninh Bình quan tâm hỗ trợ trồng thử nghiệm 2ha thanh long ruột đỏ với 2.200 trụ. Đến nay, thanh long đã được thu hoạch, năm đầu thu khoảng 5 kg/trụ, bình quân 10 tấn/năm, bán với giá 25.000 đồng/kg, tổng thu đạt 250 triệu đồng. Nhận thấy thanh long cho hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với chất đất địa phương, năm 2014 - 2015, ông mở rộng thêm diện tích trồng thanh long ruột đỏ lên 5ha với 5.500 trụ, sẽ cho thu hoạch vào năm tới.
Vườn bưởi của ông Kỳ cho thu nhập khá cao.
Ông Kỷ còn kết hợp trồng và chăm sóc 8ha đồi rừng, chủ yếu là trồng keo tai tượng; cải tạo 2ha thung lũng đắp đập khoanh vùng tạo thành hồ nước, phục vụ cho chăn nuôi, nước tưới cho các loại cây trồng và tận dụng mặt nước nuôi các loại cá trắm, chép, mè, trôi... Mỗi năm ao cá cũng cho thu nhập từ 50 triệu đồng trở lên và cung cấp một phần thức ăn cho chăn nuôi.
Nói về mô hình trang trại của mình, ông chỉ cười: “Quan trọng nhất là quyết tâm, nếu quyết tâm, việc gì cũng sẽ thành”. Ông cũng kiến nghị với Đảng, Nhà nước cần quan tâm hỗ trợ đầu tư, ngân hàng tạo điều kiện cho vay vốn để đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất của trang trại; tạo điều kiện cho chủ trang trại có tư cách pháp nhân để được vay vốn, vì hiện nay đất sản xuất ký hợp đồng với Công ty Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, thời hạn 50 năm nhưng không có tư cách pháp nhân.
Với những thành tích của mình, ông Kỷ được đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT tặng Bằng khen nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Bộ Canh nông, tiền thân của Bộ Nông nghiệp và PTNT ngày nay.
Danh Hùng
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn