Người dân đang thu hoạch cá chình |
Tiền thân là cánh đồng 70 triệu, năm 2012, Câu lạc bộ 150 triệu (khóm 6 của Hội Nông dân phường Tân Thành) ra đời, với mục tiêu đạt 150 triệu đồng lợi nhuận/ha/năm, mũi nhọn là nuôi con cá chình, cá bống tượng, với diện tích ao nuôi là 25,12 ha. Mỗi hộ có từ 3 – 5 ao (200 – 500 m2/ao); mô hình nuôi cá được tổ chức khá chặt chẽ có quy chế, có ban chủ nhiệm được chính quyền phường ra quyết công nhận và cho phép hoạt động.
Hội viên, nông dân tham gia mô hình được tập huấn kỹ thuật nuôi cá định kỳ hàng năm. Nội dung sinh hoạt hoạt định kỳ chủ yếu trao đổi cách nuôi cá, hỗ trợ nhau về giống, vốn, kỹ thuật. Để nuôi hiệu quả, 22 hộ tổ chức sản xuất theo hướng liên kết, hợp tác cùng nuôi, cùng bán, cùng hỗ trợ KHKT...
Từ ngày có Câu lạc bộ, hiệu quả kinh tế tăng từng vụ. Năm 2012, một ha đất thu 133 triệu đồng, nâng lên 196 triệu đồng/ha (năm 2016). Bình quân 22 hộ thu lãi từ 2 loại cá trên 422 triệu đồng/hộ. Câu lạc bộ không còn hộ nghèo, 22 hộ đều đạt tiêu chuẩn sản xuất kinh doanh giỏi (có 4 hộ đạt cấp TW và cấp tỉnh).
Năm 2014, Câu lạc bộ có 7,6 ha nuôi cá bống tượng, 5,17 ha nuôi cá chình (năng suất đạt 1,1 tấn/ha cá bống tượng, 1 tấn/ha cá chình), bán 400 ngàn đồng/ kg, thu về 5,583 tỷ đồng, lãi trên 1,842 tỷ đồng; năm 2015, thu về 7,529 tỷ đồng, lãi 3,511 tỷ đồng; năm 2016, có 20,24 ha cá chình đạt 1,5 tấn/ha, 4,94 ha cá bống tượng đạt 1,3 tấn/ha, thu về 7,302 tỷ, lãi trên 3,962 tỷ; 9,94 ha đất trồng màu, sản phẩm rau màu và trái cây thu 22 triệu đồng/ha.
Ông Cao Văn Sáu (phường Tân Thành) cho biết: Với 2,3 ha nuôi cá chình, cá bống tượng, 0,2 ha trồng cây ăn trái và rau màu đã mang lại nguồn thu ổn định hàng năm trên 990 triệu đồng cho gia đình. 5 năm liên tục, gia đình ông đều được bình chọn nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh.
Ngoài mô hình ao cá – vườn cây, nuôi cá chình, cá bống tượng, nhiều gia đình ở địa phương còn nuôi thêm ba ba, rắn di tượng, nuôi gà thả vườn, nuôi bồ câu, nuôi cá nước ngọt, với một cơ cấu cây con phù hợp đã tạo ra những khu vườn xanh – sạch – đẹp đem lại nguồn thu nhập cao. Điển hình như ông Tạ Văn Nghiệp với diện tích 1,4 ha, 10 ngàn m2 nuôi cá, 2.000m2trồng rau màu, 2.000m2 trồng cây ăn trái, cho lãi trên 300 triệu đồng/năm.
Mô hình ao cá – vườn cây có giá trị khai thác trên một diện tích đất canh tác tăng nhanh từ 70 triệu/ha tăng lên 200 triệu/ha. Sau 3 năm nuôi cá chình, cá bống tượng, trồng rau màu, cây ăn trái, làng cá Tân Thành đã tạo việc làm cho nhiều lao động có nghề với thu nhập ổn định, sản xuất theo cơ chế cung – cầu nông nghiệp hàng hóa, dưới ao là con, trên bờ là cây ăn trái, mặt liếp trồng rau má, rau đắng, rau muống, cải xanh, dưa hấu…., áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất nông sản an toàn, được thị trường chấp nhận.
Ông Nguyễn Hữu Ánh ở khóm 1 phường Tân Thành cho biết: Năm 2016, với mô hình ao cá – vườn cây, thu lãi trên 993 triệu đồng, thu nhập bình quân 185 triệu đồng/người/năm; khuôn viên nuôi cá, trồng cây của gia đình hàng năm có từ 3- 5 đoàn khách đến thăm. “Ao cá – vườn cây đã trở thành mô hình sản xuất phát triển bền vững của nông dân như tôi”- Ông Ánh phấn khởi nói.