Theo anh Lâm Ngọc Kiên (Thường Tín - Hà Nội) côn trùng là loại dễ nuôi, dễ sinh sản và không tốn nhiều công chăm sóc. Hiện nay, chúng không chỉ có giá trị trong Đông Y mà còn được các nhà hàng, quán ăn chế biến thành các món ăn đặc sản nên đầu ra khá ổn định.
Trang trại của anh Lâm Ngọc Kiên (Thường Tín, Hà Nội) rộng 2.000m2 với gần chục loại từ: dế, bọ cạp, cà cuống, rết đến rắn mối, tắc kè…
Trung bình mỗi tháng cơ sở anh Kiên xuất ra thị trường khoảng 4 tấn. Với giá bán dao động khoảng 400 nghìn đồng/kg rắn mối; 250 nghìn/kg bọ cạp, 400 nghìn/ kg tắc kè… sau khi trừ các chi phí, anh Kiên thu lãi mỗi tháng khoảng 100 triệu đồng.
Chủ trang trại này cho hay, côn trùng dễ nuôi, dễ sinh sản và không tốn thức ăn tuy nhiên cần phải hiểu đặc tính của từng loại để có cách chăm sóc phù hợp. “Khí hậu miền Bắc nóng ẩm, mùa đông lạnh giá nên thường xuyên phải để ý nhiệt độ chuồng trại, thức ăn, nước uống để tránh côn trùng bị dịch bệnh”, anh Kiên nói.
Dế được anh Kiên nuôi trong các thùng gỗ lớn, vừa là nguồn thương phẩm xuất ra thị trường vừa được anh tận dụng làm thức ăn cho bọ cạp, rắn mối, tắc kè…. Thời gian sinh trưởng của dế cũng rất nhanh, từ khi trứng đến khi nở là 9 ngày và sau 28 - 30 ngày nuôi là có thể xuất ra thị trường.
Ngoài dế, rắn mối cũng được anh Kiên nuôi với số lượng tương đối lớn. Đây là loại đặc sản khá hút khách tại các quán nhậu, nhà hàng. Việc nuôi rắn mối cũng không quá khó. Để làm chuồng, chỉ cần xây tường cao khoảng 4 hàng gạch, bên trong lát gạch men để rắn mối không bò ra bên ngoài.
Chuồng nuôi rắn cần phải thiết kế ở vị trí đón nắng và bố trí các vỏ dừa khô, gỗ mục, gạch để rắn trú ngụ. Loại này có ưu điểm là khá khỏe mạnh, không có mùi hôi, thích ứng tốt với khí hậu nắng, nóng. Trong đó, thức ăn chủ yếu của rắn mối là dế và sâu. Hiện mỗi tháng, cơ sở anh Kiên xuất ra thị trường khoảng 1 tấn rắn mối thương phẩm.
Tắc kè hiện có giá bán khoảng 400.000 đồng/kg. Những con tắc kè trưởng thành có trọng lượng từ 500gr trở lên sẽ được anh Kiên bán cho các nhà hàng, quán ăn hoặc cơ sở Đông Y làm thuốc chữa bệnh.
Tắc kè khá dễ nuôi, chúng sống trong các ô gỗ nhỏ xếp xen kẽ nhau. Cơ sở anh Kiên hiện cung cấp cả tắc kè thương phẩm và tắc kè giống.
Trung bình mỗi tháng, cơ sở anh Kiên xuất ra thị trường khoảng 3 - 4 tạ tắc kè thương phẩm.
Ngoài dế, tắc kè... trang trại anh Kiên còn nuôi cả bọ cạp. So với dế, nuôi bọ cạp đơn giản hơn nhiều, chúng ăn chủ yếu là các loại côn trùng nhỏ. Trong đó 2-3 ngày mới phải cho ăn một lần. Từ lúc thả con giống đến lúc xuất ra thị trường chỉ khoảng 6 tháng.
Bọ cạp không chỉ được nuôi làm thuốc trong Đông y mà còn được nhiều nhà hàng ưa chuộng chế biến các món ăn đặc sản.
Hiện tại cơ sở anh Kiên đang thử nghiệm nuôi thêm cà cuống. Đây là loại côn trùng gần như tuyệt chủng trong tự nhiên. Trên thị trường, cà cuống có giá từ 35 - 40 nghìn đồng/ con. Chúng được chế biến làm nước chấm tại các hàng bún, quán bánh cuốn đặc sản, ngoài ra còn được sử dụng trong Đông y. Anh Kiên cho biết, dù mới nuôi thử nghiệm song loài côn trùng này sinh trưởng và phát triển khá tốt. Dự tính vài tháng tới anh sẽ cho mở rộng, nuôi đại trà.
Sinh năm 1988, hiện anh Lâm Ngọc Kiên đã là chủ của hai trạng trại côn trùng khá nổi tiếng ở Hà Nội và Thanh Hóa. Hiện nay, ngoài nuôi và nhân giống các loại côn trùng, bò sát anh Kiên còn chuyển giao kỹ thuật sau đó bao tiêu thu mua lại côn trùng cho bà con nông dân. Các sản phẩm côn trùng thương phẩm được anh Kiên xuất đi khắp các tỉnh thành trong cả nước và một số thị trường nước ngoài như Thái Lan, Campuchia... mang về doanh thu lên tới cả tỷ đồng mỗi năm.
Hà Trang - Toàn Vũ/dantri.com.vn