Chăm sóc rau an toàn tại xã Tráng Việt, huyện Mê Linh (Hà Nội).
Dự án đang thực hiện các hoạt động thí điểm nhằm tăng cường áp dụng GAP cơ bản và phát triển sản xuất cây trồng theo chuỗi cung ứng tại nhiều địa phương ở miền bắc. Từ việc thiết lập mô hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm rau an toàn, dự án đã khảo sát, đánh giá điều kiện một số vùng sản xuất rau an toàn. Hiện nay, cùng với việc đào tạo, tập huấn cho cán bộ quản lý, xã viên hợp tác xã sản xuất rau an toàn theo VietGAP, GAP cơ bản, dự án còn hỗ trợ nâng cấp các khu vực sản xuất, sơ chế đóng gói bảo đảm đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, cũng như hỗ trợ tiếp cận thị trường và tiêu thụ sản phẩm. Mô hình thí điểm không chỉ bao gồm mảng sản xuất mà còn toàn bộ chuỗi giá trị từ người sản xuất đến người tiêu dùng. Với phương châm đó, đến nay, dự án đã thực hiện được nhiều khóa tập huấn về sản xuất và thị trường cho nông dân tại nhiều địa phương. Mỗi nhóm sản xuất gồm khoảng 20 thành viên sẽ lựa chọn một số loại rau củ để tổ chức canh tác theo từng mùa. Các loại rau này phải có lợi thế so sánh dựa trên việc phân tích tình hình sản xuất thực tế và nhu cầu thị trường. Sau đó, chuẩn bị kế hoạch gieo trồng bao gồm cả sản lượng dự kiến và thời gian giao hàng.
Bên cạnh việc hỗ trợ sản xuất, dự án còn kết nối một số hợp tác xã sản xuất rau an toàn với các doanh nghiệp. Sau khi tham gia pha II của dự án JICA từ cuối năm 2016 và nhận được sự hỗ trợ về kỹ thuật và phát triển thị trường thông qua hợp đồng cung ứng sản phẩm cho Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp VinEco, Hợp tác xã (HTX) Yên Phú, huyện Yên Mỹ (Hưng Yên) đã chuyển biến rõ rệt. Giám đốc HTX Yên Phú Nguyễn Hữu Hưng chia sẻ: Trước khi nhận được sự hỗ trợ, sản phẩm rau màu ở HTX chủ yếu cung cấp cho bếp ăn tập thể, cửa hàng thực phẩm an toàn... Tuy nhiên, do người mua chưa cung cấp trước kế hoạch tiêu thụ cho nên gây khó khăn trong xây dựng kế hoạch sản xuất của người nông dân. Hậu quả, nhiều thời điểm rau màu ở Yên Phú tồn hàng, giá bán thấp. Sau khi nhận được sự hỗ trợ từ dự án của JICA và hợp tác với VinEco, việc sản xuất rau màu ở HTX Yên Phú chặt chẽ, bài bản hơn trước đây rất nhiều. Cụ thể, HTX đã ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm (đầu ra ổn định) với VinEco. Nhờ vậy, hợp tác xã chủ động lên kế hoạch sản xuất cho các hộ nông dân. Sản phẩm được thu mua với giá cao hơn và được công ty thanh toán đúng kỳ hạn; nông dân phấn khởi, yên tâm đầu tư. Nhờ áp dụng bài bản, chặt chẽ, người nông dân đã thay đổi tư duy, sử dụng các loại vật tư đầu vào: thuốc bảo vệ thực vật, phân bón đúng đối tượng cây trồng, ghi chép kỹ nhật ký đồng ruộng, nhật ký thu hoạch. Việc có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, có kế hoạch đăng ký sản phẩm trước ba tháng còn giúp người sản xuất chủ động lập được kế hoạch trồng các chủng loại rau, không còn tình trạng thừa hàng, mất giá.
Bà Ma-mi-a Chi-i-ô, đồng Trưởng nhóm tư vấn dự án, chuyên gia thị trường cho rằng, người mua (người kinh doanh, người bán lẻ) có vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng. Cụ thể, người mua biết được các điều kiện và yêu cầu của cả người sản xuất và người tiêu dùng, cho nên họ phải có vai trò nhiều hơn trong việc kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, từ những công việc cụ thể như: ghi chép nhật ký sản xuất, lấy mẫu sản phẩm để kiểm tra. Người mua phải nắm được kế hoạch sản xuất, khả năng cung ứng nhằm đặt hàng với số lượng phù hợp tình hình thực tiễn, tránh trường hợp “cung không đủ cầu”. Theo kinh nghiệm tại Nhật Bản, thời điểm bắt đầu vụ thu hoạch, cả người sản xuất và người mua đều kiểm tra các điều kiện thu hoạch và thống nhất về các tiêu chí phân loại và điều kiện giao hàng, nhờ vậy, cả hai bên đều có thể giảm chi phí quản lý chất lượng. Đối với những công ty phân phối rau, ngay từ đầu mùa vụ, họ đã thảo luận với người sản xuất về kế hoạch mua hàng, cách thức thực hiện, đồng thời hướng dẫn, chia sẻ thông tin cho các nhóm sản xuất cùng một loại cây trồng. Người mua phải chịu trách nhiệm về sự an toàn của sản phẩm, đánh giá người sản xuất và các vùng sản xuất dựa trên các tiêu chí của mình.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn