Trong đó riêng đối với ngành mũi nhọn du lịch, trước mắt tỉnh tập trung khai thác tốt hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ đã có để mở rộng không gian du lịch trong nước, quốc tế; đổi mới công tác xây dựng, quảng bá thương hiệu, xúc tiến du lịch sâu rộng và chuyên nghiệp hơn, hướng tới các thị trường tiềm năng gắn với khai thác có hiệu quả các trung tâm du lịch của tỉnh; tập trung xây dựng đề án phát triển sản phẩm du lịch của TP Hạ Long sau nhập Hoành Bồ nhằm tạo ra sản phẩm du lịch đặc sắc, mới lạ có sức hấp dẫn.
Tỉnh cũng tiếp tục nâng cao hiệu quả kinh tế du lịch của các địa phương, phát triển các loại hình sản phẩm du lịch, dịch vụ về đêm, theo mùa để kéo dài thời gian trải nghiệm và tăng mức chi tiêu của du khách. Cùng với đó, tích cực đẩy mạnh ứng dụng KHCN, trí tuệ nhân tạo trong hoạt động quản lý, hướng dẫn đa ngôn ngữ; bảo đảm môi trường du lịch an ninh, an toàn, sạch đẹp, thân thiện và phát triển bền vững; nâng cao ý thức của người dân và doanh nghiệp trong các hoạt động du lịch, đẩy lùi tiến tới xóa bỏ “tour 0 đồng”; xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch Quảng Ninh gắn với “nụ cười Hạ Long”.
Đặc biệt để tạo cơ sở thu hút khách du lịch, Quảng Ninh đưa ra mục tiêu phấn đấu chậm nhất trong quý II/2020 sẽ đưa khu nghỉ dưỡng khoáng nóng Quang Hanh vào khai thác. Đồng thời hoàn thành sân golf Tuần Châu vào cuối năm 2020. Cùng với đó, tích cực thu hút các nguồn lực đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng các khu, tuyến, điểm du lịch và tạo ra các sản phẩm dịch vụ chất lượng cao tại các khu vực động lực về phát triển du lịch của tỉnh, như: Đông Triều, Uông Bí, Hạ Long, Vân Đồn, Cô Tô, Móng Cái; hoàn thiện cơ sở vật chất các bãi tắm Hòn Gai. Thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu chính ngạch tại các cửa khẩu, hỗ trợ tối đa, cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí không chính thức đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại, xuất nhập khẩu.
Cùng với đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ, để tăng trưởng đảm bảo yếu tố phát triển bền vững, thời gian tới, Quảng Ninh cũng tiếp tục quan tâm phát triển hợp lý công nghiệp khai khoáng theo hướng bền vững; đẩy nhanh lộ trình kết thúc khai thác than lộ thiên trên địa bàn TP Hạ Long. Cùng với đó, tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo, nhất là lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, màn hình, ti vi, sản xuất ô tô, công nghiệp sạch, công nghệ cao thân thiện môi trường. Đồng thời tích cực phát triển sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phục vụ sản xuất công nghiệp; tập trung GPMB đúng tiến độ; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi, giải quyết dứt điểm thủ tục hành chính để các nhà đầu tư triển khai các dự án tại KKT Vân Đồn, KCN cảng biển Hải Hà, Sông Khoai, Đông Mai, Đầm Nhà Mạc, Nam và Bắc Tiền Phong, Việt Hưng giai đoạn 1 và 2…
Trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại và phát triển toàn diện, gắn với hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới và mở rộng mô hình nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng gắn với đô thị hóa, thực chất đi vào chiều sâu, hiệu quả bền vững. Lấy người dân làm chủ thể để tập trung phát triển sản xuất, tạo sinh kế và nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn; nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả. Trước mắt, trong năm 2020 tỉnh sẽ tổ chức cơ cấu lại các sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học công nghệ, mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, chuỗi liên kết với sự tham gia mạnh mẽ của doanh nghiệp, hợp tác xã gắn với du lịch, dịch vụ, chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng và bền vững. Bên cạnh đó, tiếp tục huy động các nguồn lực để cải thiện, nâng cấp kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, duy tu, bảo dưỡng các công trình giao thông, thủy lợi đã được đầu tư, chống xuống cấp. Phấn đấu có thêm huyện Đầm Hà hoàn thành nhiệm vụ NTM; ít nhất 10 xã đạt chuẩn NTM; xây dựng thị xã Đông Triều là địa phương NTM kiểu mẫu, mỗi huyện có tối thiểu 1 xã NTM kiểu mẫu; đẩy mạnh thực hiện Đề án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp tỉnh về thủy sản tại huyện Đầm Hà.
Song hành với các nhiệm vụ trên, trong năm nay, tỉnh cũng sẽ tập trung cải thiện mạnh mẽ và thực chất hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh cải cách hành chính, gỡ bỏ mọi rào cản từ phía các cơ quan quản lý và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giảm chi phí thời gian, chi phí không chính thức để huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển. Cùng với đó sẽ quan tâm đẩy mạnh công khai các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phát triển ngành, lĩnh vực, danh mục các dự án cấp thiết để giới thiệu, xúc tiến, thu hút đầu tư; tích cực, chủ động hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Quyết liệt chỉ đạo công tác GPMB, kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ, vi phạm pháp luật tạo quỹ đất “sạch”, thu hút các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh. Đồng thời tập trung thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài theo hướng có chọn lọc, ưu tiên các dự án có công nghệ cao, quản trị hiện đại, kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh trật tự. Tập trung phát triển doanh nghiệp theo hướng giao chỉ tiêu cụ thể cho từng đơn vị, địa phương; hỗ trợ khởi nghiệp doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, đi đầu ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo...
Với mục tiêu rõ ràng, cụ thể cùng sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, chắc chắn Quảng Ninh sẽ tiếp tục là địa phương đi đầu trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xứng đáng là đầu tầu phát triển của vùng trọng điểm Bắc Bộ.
Hoài Anh/https://www.quangninh.gov.vn/