Mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ của gia đình ông Đinh Văn Sáng (thôn Nam Hả Ngoài, xã Nam Sơn). |
Chuyển dịch kinh tế đúng hướng
Ngay khi Nghị quyết số 26-NQ/TW của Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ban hành, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Ba Chẽ đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện. Đặc biệt, Huyện ủy đã ban hành 5 nghị quyết và các chương trình hành động; HĐND ban hành 9 nghị quyết; UBND huyện xây dựng 4 đề án, 4 quy hoạch, 1 chương trình, 3 kế hoạch, 15 quyết định để chỉ đạo, điều hành. Sức lan tỏa của nghị quyết “tam nông” đã thực sự tạo phong trào thi đua sôi nổi từ các ban, ngành, đoàn thể đến xã, thôn.
Đặc biệt, giai đoạn 2008-2017, Ba Chẽ đã huy động hơn 1.590 tỷ đồng vốn đầu tư toàn xã hội, trong đó đầu tư vào ngành nông, lâm, thủy sản hơn 273 tỷ đồng (chiếm 17,1%). Từ nguồn vốn này, huyện đã hỗ trợ giải ngân giúp 7 xã triển khai xây dựng các mô hình, dự án phát triển sản xuất cho nông dân tham gia. Trong giai đoạn này, toàn huyện đã thực hiện hỗ trợ được 119 dự án phát triển sản xuất. Đến nay, những dự án đang thúc đẩy phát triển và được nhân rộng thành nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, giúp tăng thu nhập cho nhiều hộ dân, giảm nghèo bền vững.
Sau nhiều năm phát triển vườn ươm cây giống (cây keo), thấy mô hình này không mang lại hiệu quả kinh tế cao, năm 2015, ông Đinh Văn Sáng (thôn Nam Hả Ngoài, xã Nam Sơn) đã mạnh dạn chuyển đổi hơn 1ha diện tích sang trồng cây thanh long ruột đỏ. Thời điểm đó, đây là mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ tiên phong của huyện. Thực hiện mô hình này, bằng nguồn vốn chương trình phát triển sản xuất nông thôn mới, chương trình 135, gia đình ông Sáng được địa phương hỗ trợ cây giống, phân bón, vật liệu (giàn trồng), ứng dụng khoa học kỹ thuật, kết nối xây dựng thương hiệu OCOP... Đến nay, mô hình trồng thanh long đang giúp gia đình ông có thu nhập ổn định.
Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ba Chẽ giải ngân vốn vay cho người dân xã Đạp Thanh. Ảnh: Cao Quỳnh |
Ông Sáng cho biết: Nhờ sự trợ giúp của địa phương, gia đình tôi đã chuyển đổi mô hình kinh tế đúng hướng và hiệu quả. Sau hơn 3 năm chuyển sang trồng thanh long ruột đỏ, đến nay mô hình đã được nhiều hộ trong xã nhân rộng thành công. Trung bình mỗi năm, gia đình thu được hơn 2 tấn quả thanh long xuất ra thị trường, giá trị kinh tế thu được gần 100 triệu đồng.
Trong 10 năm qua, ngành nông nghiệp huyện Ba Chẽ đã phát triển theo hướng chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa nông nghiệp, xây dựng mô hình, đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất, nâng cao trình độ canh tác... Điển hình trong lĩnh vực trồng trọt, năng suất cây trồng tăng nhanh (năng suất lúa tăng thêm 15%, cây màu từ 66-96% so với năm 2008).
Đặc biệt, tỷ lệ cơ giới trong sản xuất nông nghiệp phát triển mạnh, đến nay có trên 90% nông dân sử dụng máy để cày, bừa; 30% thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hoàn. Qua đó đã góp phần nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí trồng trọt. Đối với lĩnh vực chăn nuôi người dân đã có nhiều chuyển biến tích cực về nhận thức theo hướng sản xuất tập trung, kinh tế trang trại, gia trại và HTX. Toàn huyện hiện có 27 trang trại, gia trại; 6 HTX nông, lâm, thủy sản (tăng 5 HTX so với năm 2008) và 8 tổ hợp tác.
Tiếp tục nâng cao các tiêu chí
Gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới và chương trình 135, hệ thống hạ tầng cơ sở như: Điện, đường, trường, trạm... ngày càng được huyện đầu tư đồng bộ. Từ năm 2008 đến nay, huyện đã đầu tư sửa chữa, xây mới 115 công trình thủy lợi và nhiều công trình nước sinh hoạt. Đến nay, huyện đã bê tông hóa 71km trục đường trung tâm xã (tăng 42km so với năm 2008). Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 30,3% (năm 2008) xuống còn 19,9% (năm 2017).
Nhiều tuyến đường liên thôn ở xã Thanh Sơn được đầu tư xây mới từ nguồn vốn xây dựng NTM và chương trình 135. |
Năm 2017, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 25,6 triệu đồng/người/năm (tăng hơn 14 triệu đồng so với năm 2008). Cùng với phát triển kinh tế, các vấn đề về an sinh (y tế, giáo dục), văn hóa, xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân vùng nông thôn được huyện chăm lo, thực hiện tốt.
Tiếp tục thực hiện nghị quyết “tam nông” giai đoạn tới, Ba Chẽ đặt mục tiêu phấn đấu xây dựng nền nông nghiệp phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Đồng thời, nâng cao năng lực sản xuất cũng như đời sống của người dân vùng nông thôn. Trong đó mục tiêu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người/năm tăng gấp 3,5 lần so với năm 2017; 100% xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới; 100% xã có đường liên thôn, nội thôn, đường ra cánh đồng được cứng hoá đạt chuẩn; 100% diện tích sản xuất được chủ động tưới tiêu. Ngoài ra, 100% xã đạt phổ cập trung học cơ sở, có 100% trường đạt tiêu chí trường chuẩn quốc gia; 98% số hộ nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh...
Để sớm hoàn thiện những mục tiêu trên, thời gian tới huyện tập trung nhóm giải pháp tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của người dân về những chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo hướng tích cực; đẩy mạnh tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại. Trong đó, tập trung hỗ trợ phát triển những sản phẩm OCOP địa phương.
Huyện sẽ phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ, trong đó khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu thị trường nhằm tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình 135, để thu hút nguồn vốn đầu tư đồng bộ hạ tầng cơ sở cho các xã.
Theo Phạm Tăng/Báo Quảng Ninh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn