Tham gia mô hình, mỗi hộ được hỗ trợ 25 triệu đồng; các hộ phải đáp ứng các tiêu chí như: Hoàn chỉnh hệ thống hàng rào ngăn cách khu vực chăn nuôi với bên ngoài, giữa các khu vực chăn nuôi; cải tạo máng uống nước cho gà; cải tạo nhà kho; làm chỗ để ủ phân gà; làm rãnh thoát nước khu vực chăn nuôi; tăng cường vệ sinh chuồng trại; đặt chậu chứa chất sát trùng có nắp đậy trước khi vào khu vực chăn nuôi, trước mỗi khu chuồng; trang bị đủ bảo hộ lao động; ghi chép đầy đủ nhật ký sản xuất; lưu trữ toàn bộ hồ sơ, giấy tờ, chứng từ, hóa đơn mua bán vật tư, con giống, thức ăn, thuốc, vaccine, hóa chất... để phục vụ truy xuất nguồn gốc.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thái Nguyên, trong quá trình thực hiện mô hình, các hộ tham gia đều tích cực, khẩn trương thực hiện các nội dung theo yêu cầu. Việc ghi chép sổ sách, lưu trữ hồ sơ được thực hiện ngày càng tốt hơn. Hệ thống máng uống hiện đại hơn, được lắp phao tự động, độ cao máng uống được điều chỉnh phù hợp, thuận tiện cho gà uống, giảm thời gian chăm sóc và không làm ướt nền chuồng, sân chơi. Chuồng trại ngăn nắp, quy củ thuận lợi cho quá trình chăm sóc, quản lý. Hệ thống bạt che quanh chuồng được cuốn từ dưới lên, đảm bảo thoáng mát về mùa hè, kín gió về mùa đông. Quá trình chăm sóc nuôi dưỡng phòng bệnh tốt giúp tăng sức đề kháng của đàn gia cầm.
Trước đây, người dân có thói quen sử dụng vaccine liều gấp 1,5 lần, nay người dân đã dùng đủ liều, tính được đúng lượng nước cho gà uống trong 2 tiếng mỗi khi pha vaccine. Hơn nữa, do giữ được môi trường thông thoáng nhờ việc dọn vệ sinh đúng cách, phát quang cây bụi, cách ly tốt nên giảm chi phí kháng sinh, thuốc chữa bệnh.
Theo hạch toán của các hộ chăn nuôi, trước đây mỗi lứa gà 1.000 con chi phí hết khoảng 10 triệu đồng tiền thuốc, nay dự toán chi phí hết khoảng 7 triệu đồng, tiết kiệm được 30% chi phí tiền thuốc. Do thực hành chăn nuôi tốt, tạo thuận lợi cho đàn gà sinh trưởng phát triển đồng đều, khỏe mạnh nên hiệu quả chăn nuôi gia tăng.
Nguồn: nguoichannuoi.com
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn