Đưa thanh long về vùng “đất khó”
“Tôi sinh ra và lớn lên ở Xuân Yên nên càng thấy cái khó của vùng đất quê mình. Đất cát kém màu mỡ, trồng cây gì cũng khó khăn, giá trị kinh tế thấp. Đang loay hoay trong việc phát triển kinh tế gia đình, tình cờ một lần xem tivi thấy hướng dẫn cách trồng thanh long ruột đỏ nên tôi bàn với vợ trồng thử trên đất cát vườn nhà. Hồi đó loại cây này đang mới ở đất Nghi Xuân nên tôi phải tự mày mò tìm hiểu từ giống đến kĩ thuật chăm sóc. Sau khi tìm hiểu kĩ, tôi khăn gói vào Ninh Thuận mua hơn 100 gốc giống với suy nghĩ giống này phù hợp ở đất cát Ninh Thuận thì chắc cũng dễ sống, thích nghi với đất cát Nghi Xuân quê mình”, ông Võ Quang Tùng ở xã Xuân Yên, chia sẻ.
Ông Tùng cho biết, khó khăn nhất khi đưa cây thanh long về trồng là phải chủ động được nguồn nước tưới. Với quyết tâm thực hiện bằng được ý tưởng, ông bàn với vợ vay mượn thêm tiền, thuê nhân công khoan thăm dò nguồn nước, đầu tư hệ thống tưới, điện chiếu sáng để thanh long có thể chống chọi với mùa đông giá lạnh của Hà Tĩnh. Sau hơn 3 năm, ông trồng được trên 130 gốc, trong đó có 100 cây đã cho quả ngọt, sản lượng ước đạt gần 3 tấn, bán với giá 30.000 đồng/kg.
Theo ông Tùng, thanh long ruột đỏ dễ trồng, chịu hạn tốt, phù hợp với đất đồi, đất cát lại ít sâu bệnh. So với thanh long ruột trắng, thanh long ruột đỏ cho hiệu quả kinh tế khá cao, mỗi trụ cho thu hoạch 25 - 30kg.
Ông Tùng cho biết, mùa vụ thu hoạch chính của thanh long từ tháng 5 đến tháng 10 âm lịch. Khi cây đủ dinh dưỡng, giống tốt sẽ cho quả thơm ngon, có vị đậm đà cùng màu vỏ đỏ tươi bắt mắt nên người dùng khá ưa chuộng; chín đến đâu khách đặt mua tận gốc đến đó.
Năm 2001, ông Lê Hồng Điệp ở thôn Hồng Sơn (xã Phú Lộc, huyện Can Lộc) trồng thử nghiệm nhiều loại cây để xem giống nào phù hợp. Tháng 8/2016, ông mạnh dạn trồng 500 trụ thanh long ruột đỏ. Nhờ sự quyết tâm, đam mê cùng quá trình tìm hiểu, thử nghiệm, những trụ thanh long đầu tiên bắt đầu cho quả ngọt. Năm 2017, vườn thanh long cho quả bói nhưng sản lượng chỉ gần 1 tấn, trừ chi phí, thu lãi vài chục triệu đồng.
Từ việc chỉ trồng thử nghiệm mấy trăm trụ, đến nay, ông Điệp mở rộng lên đến 2.500 trụ thanh long. Năm 2018, với tình hình thời tiết thuận, ông Điệp ước sản lượng đạt 10 tấn quả, thu lãi hàng trăm triệu đồng.
Ông Điệp chia sẻ: Trong tương lai, tôi sẽ đầu tư, mua thêm đất, mở rộng diện tích trồng thanh long, cung cấp nguồn giống, cùng với bà con, đưa thanh long trở thành cây trồng chủ lực. Làm gì cũng cần có khoa học công nghệ và chịu khó tìm hiểu. Người nông dân trong xu thế hội nhập phải biết liên kết, chia sẻ, hỗ trợ nhau với quan điểm “biết cho đi mới là người giàu có”.
Ở Phú Lộc, không chỉ ông Điệp mà các hộ khác như bà Nguyễn Thị Dung hiện có gần 550 trụ, bà Nguyễn Thị Việt có trên 300 trụ thanh long ruột đỏ... Thanh long ở đây tuy quả không to như các nơi khác nhưng hình thức đẹp, chất lượng tốt nên được khách hàng ưa chuộng. Ngay vụ đầu, chín lứa nào bán hết đến đó. Khách hàng đều là khách quen, mua số lượng lớn nên sản phẩm ổn định đầu ra.
Tìm giải pháp “đầu ra”
Ông Nguyễn Hữu Ngọc, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh, cho biết: Hà Tĩnh hiện có khoảng 40ha thanh long được trồng ở các huyện Can Lộc, Nghi Xuân, Thạch Hà, Hương Sơn. Sản phẩm thanh long khá dễ tiêu thụ, giá bán 15- 30 ngàn đồng/kg, tùy thời điểm. Đây là mức giá khá tốt, đưa lại giá trị sản phẩm hơn 10 triệu đồng/sào/năm. Từ hiệu quả kinh tế đó, nhiều nông dân đã chọn thanh long để thực hiện cải tạo vườn tạp và mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Tuy nhiên, vấn đề đầu ra và giữ giá ổn định đang là chuyện lo lắng hiện nay.
Theo ông Ngọc, để giải bài toán này, trước tiên là phải tổ chức lại sản xuất hợp lý, khuyến cáo và hỗ trợ nông dân trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP; cân đối diện tích và vùng trồng hợp lý nhằm tránh tình trạng “thừa cung”. Bên cạnh đó, đẩy mạnh liên kết sản xuất, xây dựng thêm nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã; đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào vùng chuyên canh thanh long để đảm bảo đầu ra ổn định…
Theo Trà Giang/Báo KTNT.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn