Sau khi học tập và trồng nấm thành công, anh Nguyễn Duy Hưng đã tập hợp một số đoàn viên thanh niên để thành lập Hợp tác xã sản xuất nấm linh chi do anh làm chủ nhiệm. 

 

Anh Nguyễn Duy Hưng đang chăm sóc nấm linh chi. Ảnh: baoquangngai.vn

 

Năm 2013, sau khi học xong nghề sản xuất nấm, anh Nguyễn Duy Hưng về quê vừa sản xuất thử, vừa rút kinh nghiệm để nhân rộng. Từ 500 bịch nấm linh chi thử nghiệm ban đầu đến nay Nguyễn Duy Hưng đã hình thành một trang trại trồng nấm rộng hơn 800 m2, với 150.000 bịch nấm linh chi. Anh Hưng tâm sự: Khi mới bắt đầu sản xuất anh cũng gặp nhiều khó khăn về vốn, kinh nghiệm, thị trường. Nhưng anh cho rằng, để có được thành công, mấy ai không phải trải qua thất bại, khó khăn, nên anh lại động viên bản thân tiếp tục cố gắng. Hợp tác xã có được quy mô như hôm nay, ngoài sự cố gắng của bản thân là sự ủng hộ của gia đình và anh em trong hợp tác xã. Vì vậy, anh thấy cần có trách nhiệm nâng cao thu nhập, đời sống kinh tế cho họ. 

Thấy mô hình kinh tế của Nguyễn Duy Hưng đạt hiệu quả, nhiều thanh niên trong xã Bình Thạnh đã đến học tập. Ham nghề, sản xuất nấm mỗi ngày một nhiều, nên cuối năm 2014, anh Hưng quyết định phối hợp với một số thanh niên thành lập hợp tác xã nấm thanh niên Bình Thạnh. Tại đây, anh Hưng vừa là chủ nhiệm vừa là người hướng dẫn cho xã viên quy trình nuôi trồng và sản xuất nấm. Anh nhiệt tình hướng dẫn hội viên từ cách chăm sóc, quy trình bảo quản nấm, bởi vì trồng được mà không biết bảo quản, tỷ lệ hỏng rất cao. Hội viên cần nắm vững quy trình, nhiệt độ, độ ẩm quy định để tạo ra quả nấm tốt nhất... 

Bằng hình thức bán công nghệ và bao tiêu sản phẩm, nguyên liệu sau khi được cấy giống, các thành viên trong hợp tác xã sẽ nhận phôi về chăm sóc. Sản phẩm làm ra nếu xã viên không bán được, Hợp tác xã sẽ mua lại. Trong đợt đầu tiên, xã viên nhận chăm sóc hơn 50.000 bịch phôi. Chị Trần Thị Kim Hoanh, thành viên của hợp tác xã cho hay: Khi tham gia hợp tác xã, chị và nhiều xã viên được chia sẻ công nghệ nuôi trồng, nhận phôi với giá thấp, hỗ trợ chăm sóc, không phải lo đầu ra, nên người dân rất an tâm sản xuất. Đến thời điểm này, tất cả xã viên đều vui mừng vì sản phẩm làm ra đạt chất lượng và thị trường tiêu thụ ổn định, thu nhập khá. 

Anh Hưng nhẩm tính, với giá hiện nay khoảng 400.000 đồng/kg nấm linh chi tươi và 1 triệu đồng/kg nấm linh chi khô, mỗi năm hợp tác xã thu lãi hàng trăm triệu đồng. 

Thời gian đầu, do số vốn của hợp tác xã ít, nên các xã viên đồng ý dành tiền lãi để làm vốn quay vòng, đến nay quá trình hoạt động của hợp tác xã đã ổn định, xã viên nhận về phần lãi. Để đáp ứng thị trường, hợp tác xã đang trồng thêm nhiều loại nấm khác. Anh Hưng chia sẻ: Hiện nay hợp tác xã đã tiếp cận và phân phối nấm đến thị trường của nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Để nâng cao thu nhập cho xã viên, anh và một số anh em đã tìm hiểu kỹ thuật, nghiên cứu thị trường tiêu thụ và quyết định nuôi trồng, sản xuất thêm một số loại nấm chất lượng cao. Hiện tại, hợp tác xã mới sản xuất ở quy mô nhỏ loại nấm rơm và nấm bào ngư, trong tương lai gần sẽ sản xuất theo quy mô công nghiệp. 

Từ 4 thành viên ban đầu, hiện hợp tác xã nuôi trồng và kinh doanh nấm thanh niên Bình Thạnh đã có gần 20 thành viên. Hợp tác xã phát triển đã giải quyết việc làm cho bà con nông nhàn tại địa phương, với thu nhập từ 3-3,5 triệu đồng/tháng. Bà Bùi Thị Hiền, thôn An Vĩnh, xã Bình Thạnh, cho biết: Từ ngày được hợp tác xã của thanh niên thuê làm việc, các chị em trong xã rất vui. Vì đi làm được gần nhà, đi lại thuận lợi, công việc nhẹ nhàng, lại tranh thủ làm được việc gia đình. 

Tuy mới thành lập không lâu, nhưng hợp tác xã nấm của thanh niên Bình Thạnh đã mang lại thu nhập cao cho xã viên. Theo kế hoạch, hợp tác xã sẽ tiếp tục mở rộng diện tích, tìm thêm thị trường tiêu thụ, tăng thêm thành viên, đồng thời đầu tư trang thiết bị để tạo nguồn nguyên liệu tại chỗ./. 

 

Đinh Thị Hương/dangcongsan.vn